Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, góp ý việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản.
Bất động sản không được hỗ trợ vì “tiềm ẩn rủi ro”
Theo HoREA đại dịch Covid-19 đã tạo ra khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta. Hơn 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp, trong đó có không ít công ty bất động sản đã đồng hành cùng Nhà nước trong phòng, chống dịch. Đến nay, các doanh nghiệp bắt đầu kiệt sức, nguồn lực bị bào mòn, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu không được nhà nước hỗ trợ kịp thời.
HoREA cho biết, trong lúc đại dịch đang diễn biến phức tạp thì việc các ngân hàng thương mại chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng là đạo lý kinh doanh, vì tất cả cùng chung một con thuyền. Trước hết, doanh nghiệp rất cần được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không bị chuyển sang “nợ xấu” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để tiếp tục dự án.
“Không thể có chuyện các doanh nghiệp đang bị khó khăn, thua lỗ còn các ngân hàng lại báo lãi lớn như thời gian qua được. Thực tế số liệu công bố lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 nhìn khá “phản cảm” so với bức tranh chung của nền kinh tế, bởi có quá nhiều doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch”, văn bản của HoREA nêu.
HoREA hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước trong 2 năm qua đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho khoảng gần 800.000 khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022. Hoặc xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2% cho khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ đóng cửa
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại vùng TP.HCM có nguy cơ đóng cửa. |
Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại 19 tỉnh thành phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong các ngành nghề được xem xét giảm lãi lại không có bất động sản.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7 – 8% GDP cả nước và liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Theo HoREA, doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp khó vì thiếu dòng tiền. Trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải trả nhiều chi phí như lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy doanh nghiệp, trả lương nhân viên. Trong khi các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải ngừng thi công, giao dịch sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm,...
“Nhiều doanh nghiệp đã phải đi vay mượn, thậm chí “vay nóng” để trả lương nhân viên, duy trì hoạt động và đặc biệt phải trả lãi các khoản vay, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn sẽ bị chuyển sang “nợ xấu”, lúc đó doanh nghiệp sẽ lâm vào bế tắc và không thể tiếp cận các khoản vay mới để vượt qua khó khăn’, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, trong khoảng 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, thị trường bất động sản gần như đóng băng, đặc biệt kể từ tháng 6/2021 đến nay gần như không bán được hàng. Trong khi doanh nghiệp phải gánh rất nhiều chi phí hàng ngày như tiền thuê mặt bằng, trả lương, duy trì bộ máy doanh nghiệp, trả lãi các khoản vay.
Theo thống kê của DKRA Việt Nam về các doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM trong trong vài tháng vừa qua cho thấy, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đạt mức doanh thu ổn định, 10% doanh nghiệp đạo mức doanh thu từ 50 – 70%, 30% doanh nghiệp có doanh thu từ 30 - 50%. Đáng báo động là 50% doanh nghiệp còn lại được xếp vào nhóm có nguy cơ cao ngưng hoạt động khi chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%.