126 dự án nhà ở bị ách tắc
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở 2014.
Theo đó, qua nghiên cứu rà soát, Hiệp hội nhận thấy một số quy định của Luật Nhà ở 2014 không thống nhất, không phù hợp, đang làm ách tắc nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở; làm thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp; tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản; làm hạn chế cơ hội tạo lập nhà ở của nhiều hộ gia đình và làm thất thu ngân sách nhà nước.
HoREA đưa ra dẫn chứng, tại TP.HCM, chỉ thống kê trong 3 năm, kể từ ngày 10/12/2015 (Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực) đến tháng 08/2018 đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có quyền sử dụng đất 100% đất ở.
Số lượng dự án không được công nhận chủ đầu tư thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, do từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020, các nhà đầu tư không có quyền sử dụng đất 100% đất ở đã không nộp hồ sơ nữa, vì có nộp cũng “bị bác”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: “Trên toàn quốc chắc chắn có đến hàng trăm dự án tương tự cũng không thể triển khai thực hiện do không được công nhận chủ đầu tư, làm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn, bị ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu; thị trường bị méo mó, bị sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm; giá nhà bị đẩy lên rất cao; tạo lợi thế không công bằng cho một số chủ đầu tư có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở độc “độc chiếm” thị trường, đạt được lợi nhuận “khủng”; người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó tạo lập nhà ở”.
Theo ước tính sơ bộ thiệt hại của HoREA, với 126 dự án nhà ở bị “ách tắc” tại Tp. HCM, nếu bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến 126.000 tỷ đồng.
Hệ quả và hậu quả là Nhà nước bị thất thu tiền sử dụng đất khoảng 10.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% chi phí đầu tư); Nhà nước thất thu tiền thuế GTGT 10% tương đương 12.600 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% tương đương 25.000 tỷ đồng, thì Nhà nước đã thất thu tiền thuế TNDN 20% khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nếu doanh nghiệp phải vay 70% tổng mức đầu tư tương đương vay 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 9%/năm thì trong 5 năm qua, các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn, phải trả lãi vay lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng, bị “chôn vốn”, bị mất cơ hội kinh doanh, bị tổn hại uy tín thương hiệu, lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.
Người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp phải mua nhà giá cao và càng khó tạo lập được nhà ở hơn trước đây.
Ông Châu khẳng định: “Tính trong phạm vi cả nước thì các thiệt hại còn có thể lớn hơn nữa, đi đôi với môi trường đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu công bằng”.
Hai phương án gỡ khó cho thị trường
Trước những vướng mắc trên, Hiệp hội Theo đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 theo hai phương án.
Phương án 1: Theo hương “Có quyền sử dụng đất ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại".
Phương án 2 theo hướng “Có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại”.
Tương tự, Khoản 4 hiện nay có nêu, “Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”. HoREA đề xuất sửa thành "Nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại".
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị UBND TP. HCM đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 theo hướng quy định việc phá dỡ nhà ở theo nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư tương tự như Khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2005 đã quy định.
Theo Hiệp hội, Khoản 2 cho biết, việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được hai phần ba tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý và phải tuân thủ các quy định tại Điều 84 và Điều 85 của Luật này.
Tuy nhiên, hiện nay, có thể xem xét nâng tỷ lệ chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý lên mức 80% để đảm bảo tỷ lệ đa số đồng ý ở mức cao, để hoàn chỉnh thể chế pháp luật nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư kể từ ngày 01/09/2021 trở đi theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Do vậy có thể sửa giống Khoản 3, nhà chung cư không thuộc diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nhưng được tối thiểu 80% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư.