Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 45 ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người, gồm 35 nam và 5 nữ từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Sau khi sự việc xảy ra, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình đã phối hợp với Công an huyện An Phú tiến hành lấy lời khai các những người này (chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).
Qua khai thác nhanh, những người này khai nhận: Phần lớn họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại Casino Rich World; một số khác trước đó đã làm việc tại các casino ở Campuchia.
Do làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương, nên nhóm người này đã thống nhất và bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam. Đến khoảng 9 giờ ngày 18/8, nhóm người này đã tập trung tại 1 địa điểm (đã thống nhất từ trước) sau đó, chờ sơ hở của bảo vệ đồng loạt chạy ra cổng Casino và bơi qua sông Bình Ghi để nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi nhảy xuống sông Bình Ghi để bơi về Việt Nam, cả nhóm có 1 người bị mất tích, 1 người bị bảo vệ của Casino Rich World bắt giữ trở lại.
Hiện đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình phối hợp với chính quyền địa phương và Công an huyện An Phú tổ chức lực lượng tìm kiếm người mất tích. Tiến hành kiểm tra nhanh COVID-19 đối với 40 người này, kết quả tất cả đều âm tính.
Sau khi khai thác xong các thông tin ban đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Công an huyện An Phú và chính quyền địa phương đã tạm thời chuyển 40 đối tượng về Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang tiếp tục xác minh làm rõ.
Liên quan đến vấn đề người Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào tháng 7/2022, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương ở trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu ví dụ như việc lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia trong việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân một cách kịp thời và có hiệu quả.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã có đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, đường dây nóng của Cục Lãnh sự để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cũng như các thông tin cảnh báo khác; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như Campuchia tăng cường điều tra, triển khai biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh, với mục tiêu có thể giảm và sớm đẩy lùi tình trạng này.