Xã hội hiện đại với quá nhiều áp lực đã khiến tất cả mọi người, ở mọi giới, mọi lứa tuổi - thậm chí cả trẻ em rơi vào stress. Stress càng ngày càng đáng sợ.
Hiện nay, vấn đề kinh tế cũng là một trong những áp lực khiến nhiều người rơi vào stress, trầm cảm. Thịnh, một chàng trai 28 tuổi làm nghề lái xe là một ví dụ điển hình. Chuẩn bị cưới vợ, Thịnh lo lắng đến mất ăn, mất ngủ: Lo cách kiếm tiền chuẩn bị làm đám cưới; lo số tiền ấy liệu có đủ hay không?. Rồi lan man Thịnh lo liệu sau khi cưới mình và vợ có hợp nhau không; nhỡ có chuyện không may xảy đến với mình thì sao…?.
Những ý nghĩ lo sợ cứ thế xuất hiện trong tâm trí của chàng trai trẻ đến mức sau khi cưới xong dù đã 5 tháng Thịnh vẫn không ngừng lo lắng. Sợ xảy ra tai nạn nên Thịnh đã không dám đi làm, không dám ra đường. Triền miên lo lắng, hoang mang khiến Thịnh ăn không ngon, ngủ không yên: Ngủ kém, đêm dễ giật mình, mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi; cảm giác nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở; ăn uống kém hơn, hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon; đau căng tức đầu…
Từ mối lo lắng mơ hồ ấy, Thịnh thực sự trở thành con bệnh. Đi khám nhiều nơi, nhiều chuyên khoa khác nhau như tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường. Khi đến Viện Sức khỏe tâm thần thì Thịnh được phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa do stress, bác sỹ Dương Minh Tâm cho biết.
Tương tự, một trường hợp khác cũng do áp lực nợ nần nên sinh ra bệnh nặng, số tiền khám, chữa bệnh nhiều hơn cả số nợ ban đầu. Chị Hương, 38 tuổi, làm nghề kế toán là người có tính cách cầu toàn. Sau khi cưới, 2 vợ chồng chị bàn nhau xây nhà và phải vay số tiền bằng 1/4 tiền xây. Chồng chị Hương đi làm xa ít về nên việc xây nhà, chăm con đều do một tay chị đảm nhiệm.
Sau một thời gian, chị Hương có biểu hiện hay căng thẳng lo lắng; cảm giác đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm khó vào giấc, chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, mỗi khi gặp căng thẳng, bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược.
Chị Hương đã đi khám ở nhiều nơi, khám ở đâu chị cũng yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệm nhưng kết quả bình thường nên tạm yên tâm. Được một thời gian, những dấu hiệu trên lại xuất hiện khiến chị lo lắng mình mắc bệnh trọng nào đó. Suốt 4 năm chị Hương chạy chữa khắp nơi để khám, lấy thuốc. Hồ sơ khám bệnh đã dày cả gang tay, số tiền nợ nần cho khám bệnh còn nhiều hơn cả số tiền nợ xây nhà nhưng vẫn không tìm ra bệnh khiến chị Hương càng lo, bệnh càng thêm nặng và phải nghỉ việc.
Chỉ đến khi được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần chị mới được phát hiện bị mắc chứng rối loạn dạng cơ thể do tính cách hay lo lắng, cầu toàn.
Theo TS Dương Minh Tâm, có hai thể stress, một là stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể (như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm...); hai là stress bệnh nguyên, bệnh phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội..., sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.
Một trong những chứng bệnh đáng ngại hiện nay là trầm cảm sau sinh. Đã có nhiều câu chuyện đau lòng về những người mẹ trong cơn trầm cảm đã hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Điều này cho thấy thực tế là cộng đồng vẫn thiếu trầm trọng kiến thức về căn bệnh trầm cảm sau sinh.
Theo thống kê, tại Việt Nam cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau sinh. Bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con. Có tới 6,2% phụ nữ bị bạo lực do chồng đã sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân.
TS Dương Minh Tâm cho biết: Trầm cảm sau sinh có hình chóp nón, bệnh nhân khi đã ở đỉnh mới đến bệnh viện còn ở cộng đồng người bệnh không được tư vấn, chăm sóc. Bệnh nhân đến với chúng tôi thường đã nặng, đã xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc điều trị triệu chứng thì dễ nhưng còn nguyên nhân cần điều trị tận gốc là cộng đồng chưa quan tâm, chưa nhận thức đủ. Hội phụ nữ khi tuyên truyền cần làm các chương trình lồng ghép tuyên truyền về trầm cảm sau sinh để phụ nữ nói riêng và cộng đồng có kiến thức, được chia sẻ.
Những biểu hiện của trầm cảm sau sinh như: Buồn chán, bi quan, mất đi niềm vui hoặc mất sự quan tâm-đặc biệt là không quan tâm đến con cũng như những điều mà họ thường thích thú, quan tâm, bao gồm cả ham muổn tình dục; Lo lắng và hoảng loạn, sợ hoặc cho rằng bản thân không thể làm một người mẹ tốt, sợ bị bỏ rơi một mình với đứa trẻ, sợ bị người khác giành
quyền chăm sóc con. Kích động và có những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt có ý định tự làm tổn thương bản thân hoặc đứa con. Cảm thấy tội lỗi và tự lên án bản thân cho rằng bản thân không có giá trị hoặc tự trách mình; Chán nản, buồn chán kéo dài và không có sự cải thiện. Thay đổi tâm tính, cáu kỉnh vô cớ…
Để giảm những hậu quả đáng tiếc của trầm cảm sau sinh cần nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị, định kiến của cộng đồng đối với trầm cảm khi mang thai, sau sinh và chăm sóc sức khoẻ tâm thần; phụ nữ mang thai và sau sinh cần được sàng lọc và phát hiện trầm cảm, từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và y tế cơ sở. Các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh trầm cảm cần có sự kết nối và được phổ biến rộng rãi, ThS Phạm Kiều Linh, Tổ chức CCIHP cho biết.
Một nghiên cứu định tính do UNICEF Việt Nam thực hiện cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI) và Viện Nghiên cứu Gia đình thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, An Giang cho thấy: Vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt trong trẻ em và thanh thiếu niên.
Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8%-29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời.
Với trẻ em do kỳ vọng, áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về việc học tập tốt, về các chuẩn mực xã hội (bao gồm cả kết hôn sớm) thường đặt các em gái vào vị thế bất lợi so với các em trai; sự tăng tiếp xúc với Internet là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe tâm lý xã hội, dẫn đến tình trạng cô lập xã hội, lo lắng, buồn phiền, lo âu, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và trong một số trường hợp là tự tử.
Nghiên cứu cho thấy, nhóm tự tử và nhóm hành vi gây tổn hại bản thân như rạch tay hay nhốt mình rơi vào các bạn nữ nhiều hơn, vì các bạn đó khá là nhạy cảm về chuyện tình cảm của mình. Nguyên nhân dẫn tới ý định hoặc hành vi tự tử của nam và nữ bao gồm: Sự thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân; các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc. Đối với nam giới, nguyên nhân còn bao gồm việc không thể duy trì những đóng góp và hành vi nam tính được kỳ vọng... Những triệu chứng cơ thể như: Đau đầu, chán ăn, ngủ kém và gặp ác mộng. Nguyên nhân phần lớn liên quan đến những căng thẳng do áp lực học tập và riêng đối với các em gái là những căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình. Cuối cùng, việc lạm dụng rượu, thuốc lá, ma túy.
Căn nguyên thứ hai dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe tâm thần được cho là có liên quan tới việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và những nguy cơ của các hành vi trực tuyến gây nghiện đối với những trẻ có xu hướng “sử dụng quá nhiều”. Các em trai có xu hướng chơi trò chơi điện tử nhiều hơn các em gái, nhưng các em gái có nguy cơ bị rình rập và bắt nạt trên mạng nhiều hơn.
Yếu tố nguy cơ thứ ba liên quan đến những quan niệm tiêu cực về đặc điểm thể chất vị thành niên. Những lo ngại bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn đầu của lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt ở những em gái lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt hoặc những em bị coi là thừa cân. Những mối lo khác xoay quanh hình thể thấp bé, dẫn đến việc bị chọc ghẹo, bêu tên và phân biệt đối xử trong các hoạt động thể thao tại trường học…