Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường

Trong xã hội hiện đại, có nhiều rủi ro khiến các bậc cha mẹ không dám “buông” con ra ngoài, sợ con gặp nguy hiểm. Nhưng theo chuyên gia, chỉ cần thuộc lòng “chìa khóa vàng” hóa giải nguy hiểm, mọi người sẽ biết chuyển mình từ thế bị động sang chủ động.

* * *

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 1

Dù không muốn nhưng trong cuộc sống, những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với tất cả mọi người, nhất là trẻ em. Những tình huống nguy hiểm thường xảy ra bất ngờ, nếu không ứng phó kịp thời thì hậu quả rất khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả vật chất.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi được đặt vào các tình huống nguy hiểm thường gặp, khoảng 85% các bạn học sinh sinh viên lúng túng “đứng hình”, 15% còn lại đưa ra vài phương án “hên xui”. Thực trạng này không phải do các bạn không thông minh mà là do chưa được trang bị kỹ năng. Thật ra đường để chạy không thiếu, chỉ tại mình không biết đường.

Lý giải về tình trạng trẻ thiếu kỹ năng sống như hiện nay, chuyên gia tâm lý - TS Lại Thế Luyện (Giám đốc đào tạo - Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo Hiệu Quả) cho biết, để trẻ thiếu kỹ năng sống, lỗi chính xuất phát vẫn là ở người lớn không trang bị cho trẻ những kỹ năng sống tối thiểu, để tồn tại và bảo vệ mình. Khi thấy trẻ có một hành động nghịch dại đa số cha mẹ chỉ ngăn cản con mà không chỉ bảo, giải thích cặn kẽ vì cho rằng “trẻ còn bé biết gì mà nói”. Điều này vô hình chung kích thích trẻ thêm tò mò.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 2

Ngoài ra, tình trạng trẻ gặp nguy hiểm ngày càng nhiều một phần do lâu nay sống quá phụ thuộc vào sự bao bọc, che chở của gia đình, khiến cho các bé thiếu đi ý thức tự bảo vệ bản thân. Do đó, thay vì cố gắng bao bọc con trong môi trường “coi là an toàn” thì các bậc phụ huynh nên trang bị cho con những kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm để con thoát hiểm nếu chẳng may gặp phải sự cố.

Việc giáo dục trẻ phải làm từ nhỏ, nhất là những kỹ năng tự vệ, tự giải cứu bản thân giúp các em sớm có ý thức tôn trọng sự sống và sức khỏe của bản thân. Các kỹ năng này sẽ giúp trẻ không ứng xử ngờ nghệch, không đẩy chính mình và người khác vào vòng nguy hiểm. Đây là một nội dung giáo dục quan trọng mà cả gia đình và nhà trường đều phải có trách nhiệm thực hiện.

“Trẻ em ngày nay không chỉ cần được trang bị tình huống thoát hiểm trên ô tô, mà còn phải được trang bị kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, khi kẹt thang máy hoặc thoát hiểm trên xe buýt và rất nhiều tình huống khác trong cuộc sống như bị quấy rối, bị bắt cóc... Nếu được trang bị những kiến thức này từ sớm sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn, hiểu biết hơn về thực tế và biết lo cho bản thân, không chủ quan trong các tình huống nguy hiểm có thể phải đối mặt trong cuộc sống. Thậm chí, nếu phải đối mặt, trẻ vẫn biết cách phòng tránh, thoát hiểm, hạn chế những hậu quả đáng tiếc”, TS Lại Thế Luyện nhấn mạnh. 

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 3
Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 4

Để thoát hiểm, không chỉ nắm được cách mà còn phải rèn cho mình khí chất bình tĩnh, không rúng động, vì nhiều trường hợp “chiêu” thì biết hết nhưng đụng chuyện thì đầu óc mụ mị, tay chân bủn rủn, phó mặc số phận.

Theo TS Luyện, khi rơi vào những tình huống nguy hiểm, không chỉ trẻ nhỏ mà phần đông chúng ta cảm thấy bối rối, lo sợ và không biết mình nên ứng phó như thế nào. Trong não bộ có tồn tại một khu vực não được coi là trung tâm của nỗi lo lắng, sợ hãi. Vùng não này nằm ngay trong vùng não trung tâm - Hippocampus, bên trong thùy thái dương và chính là vùng não có liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 5

Thông thường, khi cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện, con người chúng ta có xu hướng trở nên “cứng đờ” cơ thể. Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành xử (Behavioural Inhibition) do một vùng thuộc não bộ điều khiển. Điều này lý giải cho việc tại sao một số người trong chúng ta dễ trở nên bị “cứng đờ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm, trong khi đó một số khác lại có khả năng giữ được bình tĩnh để đối mặt và xử lý mối đe doạ đó.

Do vậy, khi rơi vào những tình huống nguy hiểm, điều đầu tiên là trẻ phải biết cách giữ bình tĩnh và tin vào bản thân mình sẽ được an toàn. Tuyệt đối không để trẻ hình dung đến những mối nguy hiểm lớn hơn so với mối nguy hiểm mà mình đang phải đối mặt. Cách duy nhất để rèn bản lĩnh cũng như khí chất bình tĩnh thì chúng ta cần phải trang bị cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm cần thiết và tạo ra thật nhiều tình huống nguy hiểm giả định để trẻ có cơ hội được tiếp xúc.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 6

Chỉ khi trẻ được trang bị kỹ năng thoát hiểm thì trẻ mới có thể tự mình thoát khỏi những tình huống nguy hiểm hoặc tìm kiếm những sự hỗ trợ kịp thời. Nếu trẻ được hướng dẫn một cách kỹ lưỡng từ sớm với những phương pháp thực tế và phù hợp với đặc điểm lứa tuổi thì chúng sẽ có thể tự giải thoát cho mình khỏi các mối nguy hiểm.

Mỗi một tình huống nguy hiểm khác nhau, đòi hỏi trẻ phải có các kỹ năng cụ thể khác nhau. Chẳng hạn, khi bị nhốt trên xe ô tô, trẻ phải có các kỹ năng tự mở cửa từ bên trong, bấm còi, đèn để kêu cứu hoặc gọi điện thoại cho người thân; khi bị hỏa hoạn, trẻ cần có các kỹ năng cụ thể như báo cho người lớn, bò sát mặt đất, nằm xuống hoặc lăn tròn khi áo đang mặc bị bén lửa, biết dùng khăn vải nhúng nước để bịt miệng, mũi để không bị ngạt khói…

Có thể nói, việc học kỹ năng thoát hiểm không khó, quan trọng là “có chỗ để học”. PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, “chỗ để học” ở đây không ám chỉ là phụ huynh phải cho con em theo học ở chỗ nào, trung tâm nào mà là “học thầy nào”.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 7

Để dạy cho trẻ hình thành năng lực hành vi, yếu tố quan trọng nhất chính là “người thầy”. Người thầy đó có thực sự có kỹ năng để dạy cho trẻ không hay chỉ đọc lý thuyết từ sách, có làm mẫu được kỹ năng chuẩn, có thiết kế được các tình huống đa dạng để các em thực hành kỹ năng, có đủ thời gian phản hồi cho từng em để điều chỉnh kỹ năng cho đúng đắn hay có kết nối với cha mẹ để tiếp tục hướng dẫn nhắc nhở con em thực hiện những kỹ năng học được trong các tình huống thực ngoài xã hội không…

“Với các yếu tố như vậy, học kỹ năng ở đâu tốt thì cha mẹ phải là người đi kiểm tra xem người thầy thế nào, phương pháp của người thầy ra sao và cách thức tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất để dạy có phù hợp không”, PGS.TS Nam nói.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 8

Trên thực tế có rất đông cha mẹ, thầy cô cũng không biết nhiều về kỹ năng thoát hiểm. Sở dĩ, số trường học có chương trình hay trường chuyên về đào tạo kỹ năng sinh tồn ở nước ta còn rất ít. Một số trung tâm tư nhân nếu có triển khai khóa học về lĩnh vực này thì chương trình, cơ sở vật chất cũng đơn giản, mức độ sơ khai, chủ yếu chạy theo thương mại.

“Hiện nay, có nhiều lớp dạy kỹ năng thoát hiểm nhưng họ mới chỉ dừng lại ở việc dạy tốt kiến thức cho trẻ mà quên đi yếu tố thực hành, trải nghiệm. Nếu có thì cũng chỉ là những trò chơi giả định để giúp trẻ hiểu được kỹ năng đó trong thực tế trông như thế nào. Và những kỹ năng mà trẻ học từ các trung tâm này thường không được tiếp tục nhắc lại và củng cố ở nhà do các tình huống nguy hiểm là hiếm gặp và bất định”, PGS.TS Nam nói.

Do đó, việc đầu tiên là phụ huynh và giáo viên cần phải đi học hoặc tự tìm hiểu trang bị “bảo bối thoát hiểm” trước khi hướng dẫn học trò, con cái. Cùng với đó, phụ huynh và nhà trường cần phải sớm quan tâm dạy kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn cho trẻ ngay từ khi học ở bậc mầm non. Đây là một kỹ năng quan trọng trong loạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Kỹ năng sống không chỉ học trong ngày một, ngày hai là biết. Trẻ cần được dạy về kỹ năng nhận diện các rủi ro từ 18 tháng, qua trải nghiệm hoạt động ngày thường ở gia đình. Hơn nữa, các kỹ năng sinh tồn cũng rất nên dạy trong chương trình giáo dục. Ở các nước phát triển, trẻ em được giáo dục các kỹ năng sinh tồn tại trường mẫu giáo qua những bài học trực quan, sinh động nhờ đó trẻ có thể ứng phó được những rủi ro trong đời sống.

Đường để chạy không thiếu, chỉ tại không biết đường ảnh 9

Theo TS Luyện, cách dạy kỹ năng cho trẻ phải gần gũi, đi vào thực tiễn thì mới mang lại những lợi ích thiết thực. Ở các nước phát triển, trẻ có thể học hỏi và rèn luyện kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống khác nhau thông qua các trò chơi điện tử. Ngoài ra, chúng ta có thể sáng tác những bài hát ngắn gọn, có vần điệu liên quan đến cách thoát hiểm để trẻ dễ ghi nhớ và áp dụng khi chẳng may gặp phải các tình huống nguy hiểm.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nam cho rằng, dạy kỹ năng cho trẻ chúng ta cần phải dạy các thao tác cụ thể và giúp chúng thực hành nhuần nhuyễn. Những kỹ năng này cần phải được lặp đi lặp lại trong các tình huống đa dạng chứ không phải chỉ một tình huống mô phỏng giả định mà chẳng bao giờ xuất hiện trong cuộc sống.

Việc dạy kỹ năng thoát hiểm cho trẻ phải phù hợp với quá trình phát triển tâm sinh lý của từng nhóm tuổi và thông qua hoạt động dạy học trải nghiệm. Từ những kinh nghiệm rời rạc, trẻ sẽ quan sát phản tỉnh khi nhìn các bạn thực hiện, khái quát và rút kinh nghiệm cách làm của mình. Sau đó, chúng sẽ thử nghiệm cách làm của mình trong tình huống giả định và tình huống thực để đúc kết ra quy luật, cách tiến hành phù hợp nhất.

Đặc biệt, việc dạy kỹ năng thoát hiểm cho trẻ cần có sự kết hợp đa dạng giữa các hoạt động giáo dục kỹ năng độc lập của cha mẹ hoặc các trung tâm với giáo dục kỹ năng trong nhà trường qua các môn học như hoạt động ngoại khóa, giáo dục công dân và tích hợp dạy kỹ năng trong các môn học văn hóa.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?