Nếu con bạn có khả năng đọc rất giỏi và tiến bộ khác thường, chỉ có hai khả năng xảy ra: Một là nó có năng khiếu thiên bẩm. Hai là con đã bị rối loạn - Hyperlexia. Hyperlexia là một hội chứng đặc trưng do đứa trẻ có niềm say mê mãnh liệt với các chữ cái, con số và khả năng đọc vượt trội, vượt xa những gì được mong đợi ở lứa tuổi của chúng. Những đứa trẻ mắc hội chứng Hyperlexia thường bắt đầu đọc khi còn rất nhỏ, sớm nhất là 2 tuổi.
Còn tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về giao tiếp (giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), về hành vi, sở thích... Hyperlexia có thể xuất hiện cùng với chứng tự kỷ, nó có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng tự kỷ mà cha mẹ nhận thấy. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong ba lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ. Chẩn đoán tự kỷ ở các giai đoạn khác nhau là khác nhau. Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể giúp con trong từng giai đoạn cụ thể.
Với trẻ bình thường, các kỹ năng an toàn khá quan trọng. Đối với trẻ tự kỷ và mắc chứng Hyperlexia, các kỹ năng chính là điều sống còn để chúng đối mặt với cuộc sống muôn màu. Chúng cần được dạy những kỹ năng an toàn từ thuở lọt lòng. Để một đứa trẻ bé xíu tiếp thu kiến thức đã khó, việc dạy cho trẻ tử kỷ càng không hề dễ dàng. Chứng tự kỷ ảnh hưởng cách trẻ nhận thức về thế giới và làm cho trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội.
Dyan Robson - giáo viên dạy piano tại gia, mẹ của Jack - cậu bé mắc chứng Hyperlexia đã chia sẻ cách dạy các kỹ năng an toàn cho những trẻ mắc chứng hyperlexia và trẻ tử kỷ. “Nhớ lại thời gian khi Jack mới chập chững biết đi, nó tò mò khám phá cả thế giới. Nó tìm cách mở tất cả các cánh cửa trong nhà, kể cả cửa có tay cầm ngang hay tay nắm tròn. Khoảng 2 -3 tuổi, Jack luôn chú ý đến biển số của những chiếc ô tô đang lăn bánh trên đường dù đang ngồi trong xe hay đi dạo ngoài phố. Đến tuổi đi học mẫu giáo, thằng bé đã vài lần trốn vào bãi đỗ xe trong giờ nghỉ trưa. Nó chỉ đơn giản là muốn nhìn tất cả các biển số xe và đếm ô tô nhưng dù sao thì bãi đỗ xe không phải là nơi an toàn cho một đứa trẻ chơi ở đó, nhất là những đứa trẻ mắc chứng Hyperlexia”.
Sau lần trốn vào bãi đỗ xe, cả nhà đến IKEA và lạc mất Jack. Mặc dù may mắn tìm thấy thằng bé ngay lập tức nhưng chúng tôi cũng đã rất hoảng loạn. Chúng tôi biết phải dạy cho con một số kỹ năng an toàn để có thể hạn chế mức thấp nhất rủi ro khi không có người thân bên cạnh. Các vấn đề an toàn luôn là điều lo lắng phổ biến với những bậc phụ huynh có con hiếu động hay tự kỷ. Chúng tôi luôn lo lắng với hàng ngàn câu hỏi như như làm thế nào để giúp con tôi hiểu các biện pháp đơn giản và giữ bản thân an toàn. Vì vậy, tôi đã tự tìm kiếm một vài cách đặc biệt để giúp những đứa trẻ mắc chứng Hyperlexia và trẻ tử kỷ như Jack có thể hiểu và học kỹ năng an toàn cá nhân.
Trẻ em mắc chứng Hyperlexic rất cần được dạy các kỹ năng xã hội trực tiếp và các câu chuyện xã hội là một cách tuyệt vời để gián tiếp dạy con từng bài học. Bạn có thể viết một câu chuyện xã hội về bất kỳ chủ đề an toàn cá nhân nào từ những việc cần làm khi bạn bị lạc, tại sao chúng ta đi bộ trong bãi đậu xe, chúng ta phải thắt dây an toàn... Ví dụ, tôi kể một câu chuyện xã hội băng qua đường như thế nào để dạy cho con hiểu an toàn đường bộ.
Đảm bảo tất cả các cửa bên ngoài (và thậm chí cả cửa sổ) đều được khóa cẩn thận là một chiến lược đơn giản để giúp giữ an toàn cho con bạn. Bạn cũng có thể dựng lên các hàng rào vật lý như cổng bé hoặc hàng rào để chặn các khu vực nguy hiểm quanh khuôn viên nhà như bể bơi, bể nước, khu vực để xe, gara ô tô. Những hàng rào nhỏ cũng là một lựa chọn tuyệt vời ở trưfng để ngăn việc con trai tôi đi lang thang vào bãi đậu xe trong giờ ra chơi.
Nhiều trẻ em mắc chứng tăng động hoặc tự kỷ có thể không thích bị chạm vào cơ thể, do đó, chúng từ chối nắm tay khi đi bộ ngoài đường, trong bãi đậu xe hoặc vào trung tâm mua sắm. Con trai tôi ghét phải nắm tay và thường buông tay khi ra ngoài, nhưng thật kiên trì, cuối cùng tôi đã tìm thấy một trò giữ tay có tác dụng để nó phải nắm tay bố mẹ khi bước ra khỏi nhà.
Không có gì dễ dàng để một đứa trẻ hiếu động có thể thuộc được. Vì vậy, việc bạn cần làm là viết! Viết các quy tắc đơn giản lên một tờ giấy và treo chúng ở những nơi thích hợp.
Bạn cũng có thể cho con chơi các trò chơi khám phá, tìm kiếm đồ vật trong nhà. Ví dụ: bạn có thể đặt một dấu hiệu ở một cánh cửa bên ngoài có nội dung như: “Đi tìm mẹ hoặc bố trước khi mở cánh cửa này”. Bạn có thể sẽ bị sốc khi nhìn các con thực hiện theo cách riêng của chúng. Đó là điều mà gần đây tôi đã làm khi Jack hay để kính lung tung rồi lại phải đi tìm khắp nhà, tôi đã dạy con tìm kính qua các kí hiệu đơn giản như Trên tủ, dưới ngăn thứ hai...
Rất nhiều trẻ em hiếu động thích biển báo giao thông, biển cảnh báo và đèn giao thông. Sử dụng sở thích đó để giúp dạy các kỹ năng an toàn cá nhân là vô cùng hiệu quả. Đặt hình ảnh đèn dừng hoặc biển báo dừng trên bất cứ thứ gì có thể gây nguy hiểm, có hại hoặc chỉ đơn giản là vượt quá giới hạn an toàn mà con bạn có thể gặp phải.
Nếu nhà bạn có hệ thống an ninh khắp nhà, bạn có thể lắp ráp sao cho ngôi nhà thực sự an toàn. Mỗi khi một cánh cửa mở ra, hệ thống an ninh sẽ kêu “ding” hoặc nói một cái gì đó như “cửa trước mở”, “cửa sau mở”... cảnh báo bạn về việc con bạn đang mở cửa trốn ra ngoài.
Về mặt an toàn cá nhân, hãy dạy cho con bạn các kịch bản trả lời các câu hỏi sau:
Tên của con là gì? Tên con là................
Con sống ở đâu? Con sống ở.............
Tên của bố con là gì? Tên của bố con là............
Tên của mẹ con là gì? Tên của mẹ con là...........
Con bao nhiêu tuổi? Con .....tuổi.
Số điện thoại của mẹ/bố con là gì? Số điện thoại của mẹ/bố con là:.......
Theo cách đó, nếu con bạn bị lạc hay gặp sự cố ngoài đường, chúng có thể sẵn sàng chuẩn bị để trả lời các câu hỏi được học trước, hoặc tự nói ra các câu trả lời dù không được hỏi.
“Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Jack khi thằng bé bị lạc trong IKEA. Thằng bé được mọi người hỏi tên của chúng tôi là gì và nó trả lời cứ lặp đi lặp lại. Nhờ đó chúng tôi có thể tìm thấy con nhanh chóng. Một điều khác mà chúng tôi đã dạy cho Jack là học thuộc biển số xe của chúng tôi vì sau tất cả, thằng bé rất yêu thích biển số và việc nhớ biển số xe giúp thằng bé có thể tìm thấy chúng tôi khi bị lạc ở bãi đậu xe” – mẹ Jack khẳng định.