Các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Melbourne đã đun nóng chất thải cà phê mà không cần oxy, một quá trình được gọi là nhiệt phân, để tạo ra một chất gọi là than sinh học có thể thay thế tới 15% cát dùng để trộn bê tông. Trưởng nhóm nghiên cứu Rajeev Roychand cho biết, việc đưa than sinh học vào quá trình trộn bê tông sẽ giúp độ bền của bê tông tăng 30% và giảm 10% lượng xi măng cần thiết.
Hàng triệu tấn bã cà phê đã qua sử dụng trên toàn cầu và hầu hết được đưa đến các bãi chôn lấp, nơi chúng thải ra khí methane khi phân hủy. Nhà nghiên cứu Roychand cho biết Australia tạo ra khoảng 75.000 tấn bã cà phê thải ra mỗi năm và than sinh học làm từ bã cà phê này có thể thay thế tới 655.000 tấn cát dùng để đổ bê tông vì đây là vật liệu đặc hơn. Ông cho biết trên toàn cầu, than sinh học từ rác thải cà phê có thể thay thế tới 90 triệu tấn cát trộn bê tông.
Vào đầu tháng này, Hội đồng Macedon Ranges Shire gần Melbourne đã sử dụng bê tông được làm từ than sinh học có nguồn gốc từ bã cà phê để xây dựng lối đi bộ. Ông Roychand cho biết RMIT đang đàm phán với một số công ty xây dựng, nhà sản xuất bê tông và với chuỗi cà phê Starbucks (SBUX.O) để tận dụng bã cà phê thải ra và có thể thành lập một công ty sản xuất than sinh học. Công ty cơ sở hạ tầng Australia Bild Group cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm loại bê tông này và hy vọng sẽ sử dụng nó cho các dự án xây dựng đường bộ lớn.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), sản xuất bê tông, bao gồm việc trộn cát, sỏi với xi măng và nước, là nguyên nhân chính tạo ra khí nhà kính, gây ra khoảng 7% lượng khí thải trên thế giới. Một báo cáo năm 2022 của LHQ cho thấy khoảng 50 tỷ tấn cát được đào lên mỗi năm, chủ yếu để sử dụng làm bê tông. Việc khai thác cát thường tàn phá môi trường và khiến nguồn cung ngày càng thiếu hụt. Hiện các trường đại học quốc tế cũng đang nghiên cứu tiềm năng của than sinh học và các kỹ thuật sinh học khác trong sản xuất bê tông.