Chiều 19/5, sát thời điểm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV khai mạc, Ủy ban về các vấn đề xã hội mở phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.
Đây là bộ luật rất quan trọng, gắn liền với những quyền lợi thiết thực của người lao động nên đã nhận được không ít ý kiến đóng góp trong thời gian qua.
Không phải chỗ nào cũng ‘gừng càng già càng cay’
Vấn đề thu nhận nhiều quan điểm trái chiều nhất là đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Lần này, Chính phủ đề nghị bắt đầu từ 2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu với nam sẽ tăng lên đến 62, nữ tăng lên đến 60 tuổi.
Đại biểu Ngô Trung Thành, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, nhận định việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của người Việt ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, ông đề nghị đánh giá đầy đủ sự tác động với các đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là tác động với cơ hội việc làm cho lao động trẻ.
Ông Thành đặt câu hỏi khi tuổi lao động kéo dài thì tiền lương hưu có tăng lên không, nếu tăng thì có bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội không.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thì đề nghị tạo cơ hội cho phụ nữ được nghỉ hưu muộn hơn.
"Nếu không có cơ hội cho những người có trình độ cao đóng góp thêm thì kéo theo nhiều câu chuyện. Ví dụ, ở nhiều tỉnh thành có nhiều cán bộ nữ mới 45 tuổi nhưng gần như ra khỏi quy hoạch vì vướng trần tuổi nghỉ hưu, bởi theo quy định ít nhất phải tham gia 2 nhiệm kỳ", bà Hà nêu thực tế.
Tuy nhiên, bà cho biết với một số nhóm lao động khác như giáo viên mầm non thì lại muốn nghỉ hưu sớm nên cần cho họ quyền ưu tiên. Đây là bài toán khó đặt ra cho Chính phủ.
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong bày tỏ sự băn khoăn. Ông cho rằng cần nghiên cứu độ tuổi nghỉ theo hướng dựa vào ngành nghề đặc thù và việc này nên để Chính phủ làm chứ không nên cứng nhắc áp dụng chung như trong dự thảo.
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Tạ Văn Hạ thì cho rằng chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, còn lại đa số muốn được nghỉ sớm. Ông đề nghị xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc…
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu mâu thuẫn giữa bài toán tăng tuổi hưu và thực tế người trẻ thất nghiệp còn nhiều.
“Người trẻ muốn tham gia thị trường lao động ta lại hạn chế, còn người già muốn nghỉ lại kéo dài tuổi hưu. Việc ta giảm biên chế đã làm giảm cơ hội của người trẻ mà giờ tăng tuổi hưu của người già nữa thì phải tính toán”, ông Hiểu nêu ý kiến.
Xét về khía cạnh người sử dụng lao động trong bối cảnh nước ta chủ yếu thiên về lao động cơ bắp, ông Hiểu cho rằng họ cũng muốn sử dụng lao động trẻ, nhất là ở khu vực sản xuất trực tiếp, vì lao động già năng suất không cao nhưng lại phải trả lương cao hơn.
“Nhiều người nói 'gừng càng già càng cay' nhưng nay một số khu vực người lớn tuổi không còn phù hợp với lao động, với những người 35-40 tuổi, chủ doanh nghiệp đã tìm cách sa thải”, ông Hiểu nêu thực tế.
Ông cũng cho rằng phải quan tâm đến người lao động trực tiếp và làm nghề đặc thù, như giáo viên. Ông Hiểu kể lại câu chuyện đã được nghe một giáo viên mầm non tâm sự “40-45 tuổi thì làm sao mà đứng nhảy múa dạy bọn trẻ được nữa” để nói về tính cần thiết trong quy định tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm nghề đặc thù.
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dù còn một ý kiến khác nhau nhỏ nhất, Bộ cũng sẽ tiếp thu và bàn bạc. Tuy nhiên, khi nói về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiều lần nhấn mạnh đây là việc mà chúng ta “không thể chậm hơn nữa”.
Ông cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu được áp dụng trong điều kiện làm việc bình thường, còn với nhóm lao động nặng nhọc, độc hại thì có thể giảm 5 năm so với quy định. Những người có trình độ cao, có nghề nghiệp đặc biệt như toà án, kiểm sát… thì có thể kéo dài 5 năm.
“Sau khi lắng nghe, chúng tôi cũng bàn phải thiết kế thêm một mục những trường hợp đặc biệt như suy giảm sức khoẻ thì được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn, thậm chí có thể nghỉ sớm 10 năm. Hay với trường hợp suy giảm 81% sức lao động thì có thể được nghỉ hưu ngay”, ông Dung nói.
Thêm nhiều tỷ phú, nhưng cũng thêm rất nhiều lao động nghèo
Phó hủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Phạm Duy. |
Về việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa cho người lao động lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ so với hiện hành), đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng phải tính tiền lương lũy tiến, không thể để Việt Nam mãi mãi là thị trường lao động giá rẻ.
Ông lo ngại nếu không tính toán kỹ, người lao động sẽ sớm cạn kiệt sức lực, gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Ông cũng đề nghị đánh giá việc tăng giờ làm thêm có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, và tác động thế nào đến bài toán tiền lương, mức sống tối thiểu.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng đồng tình quan điểm Việt Nam không phải thị trường lao động giá rẻ. Ông đồng ý với phương án mở rộng khung giờ làm thêm nhưng cũng bày tỏ "thực sự rất buồn" khi thấy lương tối thiểu của người lao động đang rất thấp.
Kể câu chuyện cách đây 2 ngày khi chủ trì một hội thảo, ông Hiểu rùng mình khi nghe về tình hình tín dụng đen trong công nhân. Thậm chí, đã có những cán bộ công đoàn bị đánh giữa đường vì tuyên truyền người lao động dừng tham gia tín dụng đen. Có cán bộ công đoàn khác lại được xã hội đen đưa 50 triệu mua chuộc để ngừng tuyên truyền về vấn nạn này.
“Đó là câu chuyện không thể không suy nghĩ khi tiếp cận về vấn đề lương của người lao động. Chúng ta có thêm rất nhiều tỷ phú nhưng cũng có thêm rất nhiều lao động nghèo. Chúng ta có thêm vô vàn máy bay, sân bay nhưng có rất nhiều người lao động đang thiếu nhà”, ông Hiểu chia sẻ.
Cho biết hiện nay không ít công nhân lao động trong nắng nóng hơn 40 độ C phải ở trong những căn nhà trọ với mái bằng tấm lợp xi măng, ông Hiểu cho biết họ còn mong chờ đi làm thêm để tránh ở trong ngôi nhà quá nóng, quá chật và tiết kiệm cả tiền điện nữa.
Ông Hiểu đồng ý mở rộng khung giờ làm thêm nhưng phải tính lương lũy tiến như ý kiến của ông Đặng Thuần Phong. Ví dụ ngoài 8 tiếng làm chính, người lao động có thể làm thêm khoảng 4 tiếng. Nhưng trong 4 tiếng này, phải tính lương lũy tiến theo kiểu 2 tiếng đầu lương 5 đồng, tiếng thứ ba tính lương 7 đồng, tiếng thứ tư tính lương 9 đồng.
Việc này nhằm tránh nguy cơ huy động thường xuyên giờ làm thêm của người sử dụng lao động khiến họ tổn thất sức khỏe. Đặc biệt, hạn chế việc doanh nghiệp không tuyển lao động mới mà chỉ tăng giờ làm thêm.
“Một xã hội tiến bộ không thể có quá nhiều giờ làm thêm”, ông Hiểu nói.