Đúng thời gian này 1 năm trước, tháng 3/2018, sau một cuộc họp dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa…, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản yêu cầu Ninh Bình khẩn trương duyệt phương án tháo gỡ công trình sai phạm tại Cái Hạ, trong quần thể danh thắng Tràng An.
Công trình bê tông xâm hại quần thể Di sản thế giới Tràng An. Ảnh: TTXVN |
Đó là một con đường bê tông uốn lượn 2.000 bậc, dài 1km nối từ chân núi lên đỉnh núi Cái Hạ (còn có tên núi Huyền Vũ) được Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An ngang nhiên xây dựng trong khu vực vùng lõi quần thể Di sản thế giới Tràng An. Việc xây dựng này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 và các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Công trình này được xây dựng từ giữa năm 2017 nhưng chỉ đến khi nó bắt đầu hoạt động và đón hàng nghìn lượt khách tham quan dịp Tết Mậu Tuất 2018, sai phạm nghiêm trọng của công trình đường bê tông cheo leo vách núi mới bị “tuýt còi”.
Công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng An, hiện khai thác khu di sản thiên nhiên thế giới Tràng An được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế, Công ty Tràng An đã liên tục báo lỗ từ khi thành lập. Trong khi đó, con số thống kê sơ bộ của ngành du lịch Ninh Bình cho thấy, khu di sản Tràng An một năm có khoảng hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới gồm: 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa và 1 di sản thế giới hỗn hợp. Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã nhiều lần phải rung lên những “hồi chuông báo động” bởi sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo tồn đối với một số di sản thế giới tại Việt Nam gặp đối diện với những vấn đề, nguy cơ đáng lo ngại.
Có một thực tế đang diễn ra trên thế giới, đó là sự xâm lấn, bóc lột cạn kiệt các tài nguyên văn hoá và thiên nhiên thế giới phục vụ cho các mục tiêu thuần tuý kinh tế và vụ lợi của ngành du lịch và các tập đoàn kinh tế hùng mạnh đang nhảy vào sân chơi du lịch. Các lợi ích kinh tế có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội. Nhưng việc bóc lột thẳng tay các di sản văn hoá và thiên nhiên - nguồn tài nguyên vô giá, không tái sinh của các quốc gia là con đường đầu tư rẻ nhất, là một cách khai thác ăn sẵn trên các lợi ích quốc gia, lợi ích cả nhiều thế hệ.
Các giá trị văn hoá và tài sản thiên nhiên được hình thành trong hàng triệu năm qua nếu mất đi là mất đi vĩnh viễn. Các nguồn lợi kinh tế tìm kiếm được từ cách khai thác ăn sẵn này không thể bù đắp được cho những mất mát, chắc chắn là như thế.