‘Bom’ trước cửa nhà

(Ngày Nay) - Loạt bài điều tra của ProPublica – trang tin phi lợi nhuận Mỹ đoạt Giải thưởng Pulitzer 2017 – cho thấy việc quản lý, tiêu hủy đạn dược, phế thải quân sự của quân đội Mỹ ở một số nơi đang khiến người dân địa phương lo lắng bởi nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
‘Bom’ trước cửa nhà

1.     Năm 2015, quân đội Mỹ bối rối khi kho chứa vật liệu nổ phế thải phát nổ tại một cơ sở từng có thời sản xuất đạn quốc phòng ở thành phố Minden, tiểu bang Louisiana (Mỹ). Vụ nổ tạo ra những cột tro bụi bốc cao tới hơn 2km. Trước đó, người dân địa phương chưa phản ứng mạnh khi biết rằng quân đội định xử lý hàng trăm ngàn tấn vật liệu nổ phế thải tồn kho ở Minden thông qua cách “đốt ngoài trời” (open burn) – một quy trình xử lý phế thải đơn sơ có thể tạo thêm nhiều chất gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước.

“Đốt ngoài trời” đối với các chất nổ phế thải đã bị cấm ở nhiều nước như Canada, Đức, Hà Lan. Tuy nhiên, tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường EPA áp dụng “ngoại lệ” cho quân đội để có thêm thời gian phát triển các công nghệ xử lý phế thải quân sự tốt hơn. Theo tạp chí Newsweek, Mỹ cho phép “đốt ngoài trời” tại ít nhất 39 cơ sở xử lý phế liệu, trong đó có 31 cơ sở của quân đội, ít nhất 5 cơ sở của Bộ Năng lượng và 01 cơ sở tư nhân xử lý phế liệu cho Bộ Quốc phòng.

‘Bom’ trước cửa nhà ảnh 1

Nguồn Newsweek 

Sau vụ nổ, để xoa dịu người dân Minden, quân đội Mỹ tìm tới nhà máy xử lý phế liệu tư nhân tại thị trấn Colfax (tiểu bang Louisiana), được vận hành bởi Clean Habors – một nhà thầu lâu năm của Bộ Quốc phòng và cũng là một trong những công ty xử lý rác thải độc hại lớn nhất Bắc Mỹ. Trong khi quân đội sử dụng một lò đốt đặc biệt để tiêu hủy phần lớn số vật liệu nổ tồn kho ở Minden, một số vật liệu nổ khác ở Minden đã được chuyển tới nhà máy Colfax và được đốt tại đây.

Trong nhiều năm, các công ty liên quan lĩnh vực quốc phòng thường đốt phế thải quân sự tại những cơ sở xử lý của riêng mình. Tuy nhiên, giấy phép để làm việc này ngày càng bị siết chặt, trong khi ô nhiễm cộng đồng dân cư xung quanh ngày càng tăng. Vào lúc quân đội Mỹ và các nhà thầu Bộ Quốc phòng loay hoay tìm giải pháp thay thế, nhà máy Colfax (thành lập năm 1985 và được cấp phép hoạt động từ năm 1993) đã trở thành địa điểm hợp pháp, quan trọng để xử lý những chất độc hại phát sinh từ việc sản xuất vũ khí và từ các kho đạn dược cũ.

Từ lâu nay, quân đội Mỹ khẳng định rằng các phế thải quân sự cần phải tiêu hủy ngoài trời ở nơi nó được chế tạo hoặc sử dụng, bởi di chuyển các phế thải kiểu này quá nguy hiểm. Tuy nhiên hàng năm, các nhà thầu quốc phòng và các căn cứ quân sự tại ít nhất 44 địa điểm thuộc 22 tiểu bang của Mỹ vẫn đóng hộp các-tông nhiều đạn dược và vật liệu nổ rồi chở bằng xe tải chuyên dụng, đi xa hàng chục ngàn dặm tới nhà máy Colfax. Chỉ tính riêng năm 2015, khoảng hơn 300 tấn đạn và vật liệu nổ cũ đã được chuyển tới nhà máy Colfax. Các vật liệu quân sự chuyển đến nhà máy Colfax gồm: nhiên liệu tên lửa từ nhà máy chế tạo tên lửa ở Los Angeles, lựu đạn từ nhà máy sản xuất đạn ở Arkansas, tên lửa từ cơ sở Lockeed Martin ở Alabama, ngòi kích nổ từ Cincinnati, chất nổ đẩy từ nhà máy Aerojet Rocketdyne ở Virginia…Ông Phillip Retallick – Phó Chủ tịch Clean Harbors – cho biết tại nhà máy Colfax, các phế thải quân sự sẽ được đốt  trong các lòng chảo kim loại đặt trên miếng bê-tông giống chỗ đỗ xe ô tô và cách làm này “không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người”.

2.     Hình thành vào năm 1869, thị trấn cổ kính Colfax có diện tích 3,9 km2, dân số khoảng hơn 1.600 người, với phần lớn người Mỹ gốc Phi da đen. Thị trấn chỉ có 02 nhà ga, 01 cửa hàng bán đồ thể thao, 01 cửa hàng tạp hóa, 01 cửa hàng dược.

Mặc dù đã có đường cao tốc thay thế những chiếc xà lan vượt sông Red River song vẫn rất khó xây dựng nền kinh tế ở Colfax; thu nhập bình quân của người dân tại đây chỉ vào khoảng 13.800 USD/năm (so với thu nhập bình quân của người dân Mỹ là 57.000 USD/năm). Việc tiêu hủy phế thải quân sự diễn ra nhiều lần mỗi ngày tại nhà máy xử lý chất thải Colfax, biến một phần thị trấn Colfax thành “vùng chiến”. Bà Elouise Manatad – một trong những cư dân sống trong các ngôi nhà di động (mobile home) bên sườn đồi sát nhà máy Colfax – miêu tả: “Nó giống như một vụ nổ bom, làm rung chuyển những ngôi nhà”. Lửa đạn nổ làm cửa kính các ngôi nhà cách xa 12 dặm rung lắc; những cột khói đen bốc cao hàng trăm mét, che khuất ánh sáng bầu trời.

‘Bom’ trước cửa nhà ảnh 2Nguồn ProPublica

Frankie McCray – cháu của bà Manatad và là cựu quân nhân ở Iraq – chạy trốn vào trong nhà và khóa chặt cửa. Giống như hầu hết người dân Colfax, bà Manatad và McCray khó có thể tin rằng những vụ nổ và những cột khói “không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người”. Terry Brown – người có gia đình chuyển tới sinh sống ở  Colfax từ năm 1817 – khẳng định : “Chúng tôi có thể sống hơi rừng rú một chút. Song chúng tôi vẫn cần môi trường sạch”.

Tháng 11/2016, các nhân viên môi trường ở tiểu bang Louisiana đặt một chiếc xe kiểm soát không khí ở gần nhà của bà Manatad. Họ đã phát hiện mức đáng kể của acrolein – một chất độc thường phát ra từ việc “đốt ngoài trời” đạn dược.Theo các nghiên cứu, hơi khói acrolein có thể kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp. Acrolein đặc biệt gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư tiêu hóa và ung thư vòm họng. Những vật mẫu trong phòng thí nghiệm cũng chỉ ra một lượng nhỏ các hợp chất hữu cơ khác gồm benzene – một chất được dùng để chế tạo thuốc nổ và có thể gây ung thư trên con người.Hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu.

Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây vô sinh. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng. Nhiễm benzene thời gian dài còn làm giảm hồng cầu gây ra thiếu máu, có thể gây xuất huyết nhiều, giảm miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng. Các mẫu đất, nước ngầm, lòng suối lấy ở khu vực quanh nhà máy của Clean Harbors cũng chứa một loạt chất gây hại có mối liên hệ với việc đốt phế thải quân sự. Người ta đã phát hiện RDX và HMX – thành phần cơ bản trong rất nhiều loại thuốc nổ quân sự.

Đáng lưu ý, các mẫu đất sát rào chắn nhà máy Colfax có chứa dioxin – một hợp chất hóa học ảnh hưởng tới các hệ thống miễn dịch, sinh sản, thần kinh của con người – cao gấp 3 lần mức giới hạn. Bùn lấy từ lòng suối chảy tới gần nhà máy Colfax và một nông trại gần đó cũng chứa lượng chì cao. Các cuộc thanh tra do cơ quan chức năng tiểu bang Louisiana tiến hành cho thấy Clean Harbors vi phạm một số quy định như: xử lý phế thải nguy hiểm theo những cách thức bị cấm, không sửa chữa các tấm đốt phế thải, thải ra những chất gây ô nhiễm…

‘Bom’ trước cửa nhà ảnh 3

Tuy nhiên, ông Phillip Retallick – Phó Chủ tịch Clean Harbors – khẳng định nhà máy Colfax hoạt động rất sạch, đồng thời bác bỏ việc tìm thấy những chất gây ô nhiễm xung quanh nhà máy. Theo ông Retallick, các chất acrolein và benzene không phải do nhà máy sản sinh ra mà có thể từ khói các xe tải trên đường hoặc khói nướng barbeque; những hợp chất khác thì tồn tại ở mức nhỏ, không gây nguy hại.

Tháng 3/2017, Cơ quan Y tế Louisiana cũng cho rằng mặc dù tìm ra các chất ô nhiễm không khí như acrolein và benzene dựa vào lượng nhỏ mẫu thu thập trong thời gian ngắn, song kết quả này không ám chỉ khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Các nhân viên môi trường tiểu bang Louisiana tiếp tục phân tích các mẫu nước và đất chứa dioxin và chì. Họ trông đợi rằng qua thời gian, các chất độc hại này sẽ bị loãng đi tới mức không gây hại. Ông Gregory Langley – người phát ngôn Cơ quan quản lý chất lượng môi trường tiểu bang Louisiana – cho biết tiểu bang Louisiana đang hối thúc Clean Harbors khắc phục những biểu hiện ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy. Ông Langley cho rằng điều này không quá gây lo lắng cho cư dân địa phương.

Ông Phillip Retallick – Phó Chủ tịch Clean Harbors – than vãn:”Trong 30 năm qua, không ai để ý tới chúng tôi. Chúng tôi bỗng trở thành một chủ đề nóng. Chúng tôi trở thành mục tiêu chỉ trích”.

Trong khi đó, nhiều cư dân ở thị trấn Colfax nhìn nhận vấn đề với cách nhìn khác. Họ khẳng định từ nhiều năm nay đã rất lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Bà Manatad chịu nhiều cơn đột quỵ tái phát và viêm đường hô hấp. Bà cho biết ít nhất 5 người hàng xóm bị rối loạn nội tiết – một chứng bệnh có mối liên hệ với việc nhiễm perchlorate, được dùng chủ yếu để làm chất nổ đẩy cho tên lửa. Dân địa phương còn kể chuyện về những công nhân làm việc tại nhà máy Colfax chết vì ung thư. Gần đây, các giáo viên, nông dân, một số người bị rối loạn tuyến giáp… ở Colfax đã tụ họp để thảo luận cách kêu gọi Clean Habors ngưng việc “đốt ngoài trời” ở nhà máy Colfax. Trong nhiều tháng, họ gây áp lực để cơ quan chức năng kiểm tra không khí, nước xung quanh nhà máy; yêu cầu Clean Habors xây dựng lò thiêu để ngăn chặn khói độc hại phát ra.

Năm 2016, hạ nghị sỹ tiểu bang Louisiana  Terry Brown đã trình một dự luật nhằm chấm dứt “đốt ngoài trời” các phế liệu quân sự độc hại ở tiểu bang Louisiana. Tuy nhiên, các nhóm doanh nghiệp địa phương lo ngại dự luật sẽ làm mất nhiều việc làm, do đó họ thuê công ty chuyên “lobby” (vận động hành lang) để chống lại dự luật này. Để xoa dịu dư luận, công ty Clean Harbors đề nghị chi trả cho một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cống rãnh tại địa phương, đồng thời hứa thiết lập hệ thống kiểm soát không khí ở nhà máy Colfax. Cuối cùng, công ty này muốn thuyết phục Nghị viện Louisiana rằng mối quan ngại của hạ nghị sỹ Brown là phi lý.

Cơ quan chức năng tiểu bang Louisiana tiếp tục gia tăng các cuộc khảo sát về chất lượng nước và không khí ở Colfax; đe dọa trừng phạt Clean Harbors vì những vi phạm về môi trường. Cơ quan Y tế Louisiana cam kết tiếp tục theo dõi sát vụ việc. Nhưng dường như không mấy người dân Colfax tin rằng chính quyền có thể buộc Clean Harbors ngưng toàn bộ việc “đốt ngoài trời”.

Anni Tolbert, cụ bà 80 tuổi mắc hen suyễn ở Colfax, than thở: “Tôi chắc rằng nếu họ sống trong môi trường thế này thì họ sẽ không thể vui lòng. Bởi môi trường này không an toàn. Họ sẽ không nghe chúng tôi bởi chúng tôi là người da đen. Nhưng đừng quên chúng tôi cũng là những công dân”.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.