Đó là gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ “phòng ngự” sang “phản công”... Những bước tiến mới đó tiếp tục cho thấy sự kiên trì, kiên quyết của Đảng nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
GẮN CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỚI XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vào ngày 7/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Như vậy, kế thừa tinh thần của Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương lần này đã tiếp tục gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đây là một yêu cầu khách quan bởi lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam tuy giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị.
Những năm qua sở dĩ Đảng ta nhấn mạnh hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì muốn củng cố, gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng; từ đó tiến đến xây dựng cả hệ thống chính trị. Đây là những bước đi thận trọng, chắc chắn, có lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn cụ thể. Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Điều này đã từng được đặt ra ngay từ chủ đề của Đại hội XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII lại được nhấn mạnh thêm.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta nhấn mạnh bên cạnh việc phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; thời gian tới cần bổ sung nhấn mạnh thêm một nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngoài việc đưa ra các giải pháp về chính sách cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, mỗi cán bộ đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện”. Hội nghị khẳng định sự gương mẫu của các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ cấp cao đóng vai trò quyết định đến việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay nên “Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”. Nhấn mạnh này của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
CHUYỂN CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI NHỮNG BIỂU HIỆN SUY THOÁI CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TỪ “PHÒNG NGỰ” SANG “PHẢN CÔNG”
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII năm 2016 được coi là một bước tiến đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bởi Đảng ta đã đưa ra một Nghị quyết rất quan trọng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tại Nghị quyết này, Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Từ khi ban hành Nghị quyết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng đúng như Đại hội XIII khẳng định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”(1).
Ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta còn bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới.
Về những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, Đảng ta cho rằng nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Trong những biểu hiện trên, sự phai nhạt lý tư tưởng cách mạng được đặt lên hàng đầu vì đúng như Đại hội XIII đã từng khẳng định “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(2). Do đó, việc bổ sung, làm rõ thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị là sự phản ánh đúng hiện thực khách quan về tình hình tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta thời gian qua.
Về những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đó là sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Trong những biểu hiện trên, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII bổ sung thêm sự “tiêu cực” và coi đây là một trong những biểu hiện cần kiên quyết đấu tranh.
Ngoài ra, ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương khẳng định trong thời gian tới cần phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra. Đồng thời, Trung ương cũng nhấn mạnh thêm một giải pháp mới nữa là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”. Có thể nhận thấy điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là cùng với việc tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Đảng ta còn nhấn mạnh đến việc “xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm”. Điều này cho thấy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hội Nghị Trung ương 4 khóa XIII. Đó sự việc chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với một quyết tâm rất cao theo đúng phương châm “không có vùng cấm”, “không có ưu tiên” trong xử lý sai phạm. Do đó, ở Hội nghị này, Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có điểm rất đáng chú ý Trung ương nhất trí ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.