Đây là ca ghép thanh quản hiếm gặp và thường không được thực hiện cho bệnh nhân ung thư đang điều trị. Marty Kedian là người thứ ba ở Mỹ được ghép thanh quản toàn phần (những người khác được ghép nhiều năm trước do chấn thương) và là một trong số ít trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới.
Các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Mayo Clinic ở bang Arizona đã đề nghị Kedian tham gia một thử nghiệm lâm sàng mới nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận ca phẫu thuật có khả năng thay đổi cuộc sống này cho nhiều bệnh nhân hơn, trong đó có cả bệnh nhân ung thư - nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất thanh quản.
Kedian được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sụn thanh quản hiếm gặp khoảng một thập kỷ trước. Ông đã trải qua hơn chục cuộc phẫu thuật, cuối cùng phải cần một ống khí quản để giúp ông thở và nuốt - và thậm chí còn phải vật lộn để phát ra tiếng thì thầm khàn khàn qua nó.
Cuộc phẫu thuật ghép thanh quản đã được thực hiện ngày 29/2 và hoàn thành sau 21 giờ. Sau khi cắt bỏ thanh quản ung thư của Kedian, các bác sĩ đã cấy ghép thanh quản được hiến tặng cùng với các mô lân cận cần thiết – tuyến giáp và tuyến cận giáp, hầu họng và phần trên của khí quản – và các mạch máu nhỏ. Cuối cùng, bằng cách sử dụng các kỹ thuật vi phẫu mới, nhóm bác sĩ phẫu thuật đã kết nối các dây thần kinh quan trọng để Kedian cảm nhận được khi nào ông cần nuốt và di chuyển dây thanh âm.
Khoảng ba tuần sau, Kedian đã nói “xin chào”. Chẳng bao lâu sau, ông đã học lại cách nuốt, và phát âm dần các từ đơn.
Chia sẻ sau ca phẫu thuật thành công trong giọng nói khàn khàn, ông Kedian, 59 tuổi nói: "Con người cần phải giữ được giọng nói của mình,... Tôi muốn mọi người biết rằng điều này có thể thực hiện được".
Thanh quản được biết đến nhiều nhất như là hộp thanh âm nhưng bộ phận này cũng đóng vai trò quan trọng cho việc thở và nuốt. Các vạt cơ có tên là dây thanh đới mở ra để cho không khí vào phổi, đóng lại để ngăn thức ăn hoặc đồ uống đi sai đường - và rung khi không khí đẩy các vạt cơ đó để tạo ra tiếng nói.
Hai bệnh nhân đầu tiên được ghép thanh quản ở Mỹ - tại Cleveland Clinic vào năm 1998 và Đại học California, Davis, vào năm 2010 - đều mất giọng nói do chấn thương, một người bị tai nạn xe máy và người kia bị tổn thương do máy thở trong bệnh viện.
Ung thư là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất thanh quản. Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính hơn 12.600 người sẽ được chẩn đoán mắc một số dạng ung thư thanh quản trong năm nay.