Để ứng phó tình trạng khan hiếm máu hiện tại, về phía đơn vị chủ quản, ngày 3/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 706 về việc phối hợp bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Trước mắt, Cục Quản lý khám chữa bệnh giao Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối; phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm truyền máu khác bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm cho các bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên do khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm sàng lọc, xét nghiệm máu. Ngay khi nhận được chỉ đạo đấu thầu của Sở Y tế Cần Thơ vào cuối năm 2022, Bệnh viện đã trình phê duyệt danh mục vật tư, hóa chất cần mua sắm, đề phòng trường hợp quá trình phê duyệt kéo dài. Cùng với đó, để chủ động đảm bảo đủ máu cung cấp cho các bệnh viện tại Đồng bằng sông Cửu Long (trừ Long An và Kiên Giang), Bệnh viện đã triển khai giải pháp cấp bách dự trữ máu đủ sử dụng từ 3 - 6 tháng. Mặc dù vậy, sau nhiều lần xin viện trợ máu từ các cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đến nay Bệnh viện đã không thể cầm cự nổi.
Trước đó, trung tuần tháng 3/2023, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ ban hành văn bản về việc hoãn tiếp nhận máu tình nguyện. Do thời điểm đó công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023 - 2024 của Bệnh viện đang chờ kết quả nên số lượng túi đựng máu, hóa chất, vật tư y tế không đủ để tiếp nhận và sàng lọc máu.
Sau 3 tháng chờ đợi, từ ngày 1/6, Bệnh viện chính thức hết hóa chất, vật tư y tế để sàng lọc, điều chế khối tiểu cầu và nhóm máu hiếm nên không thể cung cấp khối tiểu cầu, nhóm máu hiếm. Điểm nghẽn nằm ở khâu duyệt dự toán; được duyệt, Bệnh viện mới có thể tiến hành làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu và mua sắm vật tư.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, mỗi tháng Bệnh viện Huyết học - Truyến máu thành phố Cần Thơ tiếp nhận, cung ứng khoảng 12.000 - 15.000 đơn vị máu cho các bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm, đơn vị cần khoảng 150 tỷ đồng để mua sắm hóa chất, vật tư y tế mới bảo đảm nhu cầu thu và cung cấp máu cho các bệnh viện trong khu vực.