Một điểm chung đáng chú ý: họ không nói nhiều trước công chúng về chuyến đi của mình mà chủ yếu bao gồm các cuộc gặp với các quan chức chính phủ, nhân viên địa phương và các đối tác kinh doanh.
Các sự kiện truyền thông và các hoạt động tương tác với công chúng, từng diễn ra thường xuyên trước đại dịch, giờ trở nên hiếm hoi. Ngay cả tỷ phú Elon Musk, người được biết đến với những lời nói đùa trên Twitter, cũng đã im lặng một cách khác thường trong chuyến đi Trung Quốc vào tuần trước.
Vào năm 2020, vị tỷ phú này đã tổ chức lễ giao những chiếc ô tô điện đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Tesla Thượng Hải bằng một điệu nhảy trên sân khấu. Lần này, giới truyền thông không được mời đưa tin về chuyến thăm nhà máy của ông.
CEO của ngân hàng Goldman Sachs' cũng có động thái tương tự như Elon Musk. Năm 2019, ông David Solomon trả lời phỏng vấn truyền thông và tham gia một số diễn đàn khi tới Trung Quốc. Nhưng trong chuyến đi vào tháng 3 năm nay, vị doanh nhân này chỉ tham gia các cuộc họp kín với các cơ quan quản lý, quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc và một trường đại học.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc các doanh nhân của Mỹ tỏ ra im ắng trong suốt chuyến thăm Trung Quốc có thể do tâm lý thận trọng vì căng thẳng địa chính trị và thương mại giữa hai nước.
Noah Fraser, giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Canada Trung Quốc, cho biết việc các giám đốc điều hành đến Trung Quốc lần này không phải là để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, mà đang tập trung vào việc duy trì các mối quan hệ hiện có và thường sẽ né tránh sự chú ý của truyền thông.
"Họ dường như muốn tránh gây ồn ã và chỉ tham gia những bữa trưa riêng tư, nơi họ có thể nghe từ những người trong cuộc về những gì đang xảy ra", ông Fraser nói.
Trước khi đến Trung Quốc, các doanh nhân Mỹ đã tìm kiếm lời khuyên về việc Bắc Kinh mở rộng luật chống gián điệp có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Người đứng đầu một hiệp hội doanh nghiệp Mỹ-Trung cho biết các CEO cũng muốn biết cách đối phó với các quan chức chính phủ Trung Quốc và các câu hỏi sau khi chuyến đi được công khai, đồng thời cho biết thêm rằng họ dễ rơi vào thế bất lợi khi nói chuyện với giới truyền thông và có nguy cơ bị yêu cầu bình luận về mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Phòng Thương mại EU cho biết các công ty hoạt động tại Trung Quốc luôn thận trọng ở mức độ nhất định và hiện đang thích ứng với những thay đổi trong các lĩnh vực có thể được coi là nhạy cảm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố rằng nhiều chuyến thăm của các CEO Mỹ là một "phiếu tín nhiệm" đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Liên quan đến những lo ngại về luật chống gián điệp của mình, Trung Quốc có quyền bảo vệ an ninh quốc gia thông qua luật pháp trong nước, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định.
Sau ba năm bị hạn chế bởi COVID-19, các CEO nước ngoài dường như rất háo hức muốn nắm lấy cơ hội quay trở lại thị trường Trung Quốc.
Những doanh nhân tìm đường tới Bắc Kinh bao gồm Tim Cook của Apple, Patrick Gelsinger của hãng chip Intel, Mary Barra của hãng xe General Motors, Stephen Schwarzman của công ty quản lý đầu tư Blackstone và Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan.
Tổng cộng 67 lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc cấp cao năm nay, mặc dù con số này vẫn ít hơn 20 người so với năm 2019.
Christopher Johnson, chủ tịch của China Strategies Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, cho biết: “Bạn phải thể hiện đủ cam kết với thị trường Trung Quốc nếu bạn đang làm ăn ở đó. Các CEO cần phải làm điều đó mà không gióng lên hồi chuông cảnh báo với chính phủ Mỹ, đó là một nhiệm vụ rất khó khăn".
Những bình luận ít được biết đến của các CEO nước ngoài khi có mặt ở Trung Quốc phù hợp với lập trường của Tổng thống Joe Biden rằng ông không tìm cách chia rẽ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Elon Musk rằng ông phản đối việc tách rời nền kinh tế mà ông mô tả là "cặp song sinh dính liền".