Cô Vicky Saynor, 46 tuổi, người Anh, hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe. 3 năm trước, cô đã hoàn thành phác đồ điều trị ung thư vú và kể từ đó cô thường xuyên xét nghiệm máu để theo dõi sức khỏe.
Cô Saynor cho biết đã giữ bản in kết quả kiểm tra sức khỏe để có thể xem bất kỳ chỉ số nào cũng như hiểu rõ hơn ý nghĩa của các chỉ số. Cụ thể, qua mỗi lần xét nghiệm máu cô nhận ra các dấu hiệu của tiền tiểu đường. Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân sử dụng liệu pháp hóa trị, đều có thể mắc tiểu đường.
Cô chia sẻ lần xét nghiệm đường huyết gần đây nhất vào tháng 12/2021 cho thấy cô có dấu hiệu tiền tiểu đường và chỉ còn 1 điểm nữa là có thể được chẩn đoán là tiểu đường Type 2. Khi đó, cô đã quyết định thay đổi cách sống. Saynor đã đọc cuốn sách của Michael Mosley về cách đẩy lùi bệnh tiểu đường Type 2, thực hiện chế độ ăn kiêng 8.000 calo đường huyết và đeo một chiếc máy theo dõi. Cô bắt đầu thực hiện chế độ này từ tháng 5. Lượng đường huyết của cô đo được lúc 7h là 9,7, trong khi thông thường chỉ số này của cô là từ 4,5-5,8. Cô bắt đầu giảm cân từ 86,4 kg xuống còn 77 kg, vòng eo cũng giảm từ 103 cm xuống còn 96 cm. Hiện đường huyết của cô lúc 7h là 5,9. Saynor tin tưởng sẽ đảo ngược được tình trạng tiền tiểu đường trong lần xét nghiệm máu tiếp theo.
Tuần này, Anh đã phát động một chiến dịch mang tên Know Your Numbers !, khuyến khích mọi người theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Theo giới chuyên gia, việc kiểm tra lượng đường huyết và cholesterol, cũng như hiểu ý nghĩa các chỉ số đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi kết quả. Trên thực tế, thời điểm "vàng" để can thiệp sức khỏe, không phải là khi kết quả xét nghiệm cho thấy bạn đã mắc bệnh máu nhiễm mỡ, tiểu đường hoặc thừa cân, mà là khi bạn ở gần vùng nguy hiểm như Saynor. Do đó, giới chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị về những xét nghiệm bạn cần thường xuyên thực hiện và ý nghĩa thực sự của các chỉ số này
Huyết áp
Sử dụng máy đo để kiểm tra huyết áp thường xuyên. Huyết áp bình thường là từ 90/60 đến 120/80. Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp thường được coi là căn bệnh "thầm lặng". Nếu không được điều trị, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ, sẽ tăng lên. Giới chuyên gia khuyến nghị người dân cần được khám tổng quát với bác sĩ đa khoa ít nhất 5 năm 1 lần, cũng như kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà. Thông thường cứ 9 người thì có 1 người mắc cao huyết áp mà không biết.
Bác sĩ Sarah Levy cho biết nếu một người được chẩn đoán cao huyết áp, bác sĩ sẽ tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của người đó, hỏi về việc uống rượu và việc ăn thực phẩm chế biến sẵn. Kiểm soát huyết áp có nghĩa là giải quyết các yếu tố nguy cơ khác, như cholesterol, rượu, chế độ ăn kiêng và ít tập thể dục.
Đường huyết
Chỉ số đường huyết cao hơn có thể coi là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, có thể gây tổn thương lâu dài cho mạch máu, thận, mắt và dây thần kinh. Tổ chức Diabetes của Anh ước tính khoảng 850.000 người đang sống với căn bệnh này mà chưa được chẩn đoán. Do đó, giới chuyên gia đã chỉ ra 2 cách để người dân có thể theo dõi. Đầu tiên là xét nghiệm đường huyết, cho kết quả ngay lập tức và có thể thay đổi theo giờ. Phương pháp thứ 2 là xét nghiệm máu Hba1C cho kết quả chính xác hơn, tính lượng đường huyết trung bình trong 3 tháng qua.
Nếu bạn có các triệu chứng gồm khát nước quá mức, mệt mỏi hoặc mờ mắt hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, hãy đặt lịch xét nghiệm máu với bác sĩ đa khoa. Bạn không được khuyến khích sử dụng bộ xét nghiệm tiểu đường tại nhà nếu chưa được xác định mắc tiểu đường. Những người mắc tiểu đường cần được bác sĩ khám 6 tháng một lần.
Theo Dịch vụ y tế Anh, để phòng, tránh tiểu đường, người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đúng bữa và tập thể dục 2,5 giờ mỗi tuần. Nếu ở trong giai đoạn tiền tiểu đường từ 42-47 như Saynor, đây chính là "thời điểm vàng để thay đổi lối sống". Nếu đang thừa cân, cần tập trung giảm cân. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải (ít chất đạm), ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có tác dụng phòng, tránh tiểu đường. Bên cạnh đó, cần cố gắng vận động. Điều này không có nghĩa là bạn cần đến phòng tập hay chạy bộ. Chỉ cần những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như đứng thay vì ngồi, cũng có thể có tác động tích cực.
Cholesterol
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh. Cholesterol có 2 loại chính gồm Lipoprotein mật độ thấp (LDL) thường được gọi là "cholesterol xấu" và lipoprotein mật độ cao (HDL) là "cholesterol tốt". LDL làm tắc nghẽn động mạch và gây ra các bệnh tim mạch, trong đó có đau tim và đột quỵ. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao, uống nhiều rượu, có chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc cho rằng mình đang rất thừa cân, hãy xét nghiệm cholesterol trong máu. Cần kiểm tra chỉ số này ít nhất 5 năm/lần vì có thể bạn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.
Hiện đã có các bộ xét nghiệm cholesterol tại nhà, tuy nhiên, các bác sĩ thường kết hợp đọc chỉ số này với các yếu tố nguy cơ khác như huyết áp, tuổi tác, cân nặng để đánh giá điểm nguy cơ. Điểm số 10% có nghĩa bạn có 10% khả năng bị đột quỵ hoặc đau tim trong 10 năm tới. Điều này đồng nghĩa bạn cần hành động, thay đổi lối sống. Nếu điểm số này cao hơn, bác sĩ có thể khuyên bắt đầu dùng statin - một loại thuốc có hiệu quả cao dùng để dự phòng biến cố tim mạch thông qua việc giảm LDL cholesterol, giúp củng cố thành mạch và ngăn ngừa mảng bám.
Giới chuyên gia chỉ ra chế độ ăn Địa Trung Hải, tập thể dục và giảm lượng rượu có thể giảm lượng cholesterol xấu, trong khi ăn dầu ôliu, các loại hạt, quả bơ giúp làm tăng cholesterol tốt.
Thừa cân hoặc béo phì khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Số đo vòng eo lớn có thể cho thấy lượng chất béo nội tạng cao hơn, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2, bệnh tim, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và bệnh Alzheimer.