Trong báo cáo tài chính năm 2022 (từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023), Ministop đã đặt mục tiêu mở rộng số lượng cửa hàng tiện lợi của mình tại Việt Nam lên 200 cửa hàng vào năm 2023, 300 cửa hàng vào năm 2024 và 500 cửa hàng vào năm 2025. Ministop cũng dần rút lui khỏi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, để tập trung nguồn lực vào thị trường nước ngoài duy nhất là Việt Nam.
Tập đoàn Seven & I Holdings cũng đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô lên 500 cửa hàng tiện lợi 7Eleven tại Việt Nam vào năm 2028. Tính tới tháng 1/2023, thương hiệu này mới có 79 cửa hàng tại Việt Nam.
Tháng 2 năm nay, Seven & I đã tăng vốn đầu tư cho Seven System Vietnam (SSV), đơn vị nắm quyền kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, để tăng cường hoạt động ở thị trường này. Ngoài việc tăng số lượng cửa hàng, Seven & I sẽ cử các chuyên gia, lãnh đạo từ Nhật Bản sang Việt Nam để tăng cường quản lý kinh doanh.
Gia tăng số lượng cửa hàng và cải thiện dịch vụ là mục tiêu của các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Ministop đang triển khai hệ thống “cửa hàng mới” với việc cung cấp các loại thực phẩm tươi sống, ví dụ như rau củ quả, hay bày bán đa dạng các loại gia vị. Ministop đang hướng tới việc đáp ứng nhu cầu tự nấu ăn của người Việt. Trong năm 2022, có khoảng 34 cửa hàng của Ministop tại Việt Nam trở thành “cửa hàng mới”. "Cửa hàng mới" này ghi nhận mức tăng trưởng bán hàng trong ngày là 24% so với các cửa hàng khác. Cũng nhờ "cửa hàng mới" này, doanh thu năm 2022 tại thị trường Việt Nam của Ministop đã tăng 46% so với năm trước, lợi nhuận trong quý 4/2022 đạt 48 triệu yên (khoảng 8,4 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, 7Eleven đang đẩy mạnh phát triển các mặt hàng nguyên gốc. Hiện, 7Eleven đang hợp tác với Hợp tác xã thực phẩm Delica, một liên minh các nhà cung cấp thực phẩm của 7Eleven. Thương hiệu này đặt mục tiêu lợi nhuận từ các cửa hàng tại Việt Nam lên khoảng 2.000 USD/ngày vào năm 2028.
Năm 2011, Ministop có mặt tại Việt Nam. Năm 2017, 7Eleven đưa cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động. |
Ministop đã đặt mục tiêu sẽ mở 500 cửa hàng vào năm 2016, còn 7Eleven là 100 cửa hàng, nhưng tới thời điểm hiện tại thì mục tiêu này của cả hai đều chưa đạt được. Theo trang tin HONTO VN, giá thuê mặt bằng cao và thói quen mua hàng ở vỉa hè mà không cần xuống xe máy của người Việt là một số rào cản cho kế hoạch mở rộng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi này.
Kế hoạch mở rộng của hai thương hiệu này là nhằm thu hẹp khoảng cách với Circle K của Mỹ (400 cửa hàng) và GS25 của Hàn Quốc. Đặc biệt, GS25 đã nhanh chóng bắt tay với Sơn Kim Group, một tập đoàn sở hữu công ty phát triển bất động sản của Việt Nam, để có được những vị trí đắc địa khi đầu tư vào Việt Nam từ năm 2018. Tới nay, GS25 đã sở hữu 208 cửa hàng, giữ vị trí thứ hai tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng GS25 gia tăng số lượng cửa hàng để chiếm vị trí top đầu trong thị phần cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, mà không quan tâm đến lời lãi. GS25 đã lên kế hoạch kinh doanh lỗ cho tới năm 2024 và đặt mục tiêu mở 700 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam cho tới năm 2027./.