Con số trên tăng 135% so với năm 2021.
Dữ liệu từ hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc cho thấy trẻ em chiếm gần một nửa trong số 57 triệu người lâm vào tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 12 quốc gia do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2022, trong đó các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng một nửa trong số 27 triệu trẻ em đang phải đối mặt với nạn đói là ở Ethiopia và Somalia.
Giám đốc điều hành của Save the Children, Inger Ashing tuyên bố: “Khi các hiện tượng thời tiết liên quan đến khí hậu xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ thấy những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với cuộc sống của trẻ em”. Theo tổ chức trên, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) trong tuần này, cần hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách công nhận trẻ em là "những tác nhân chính của sự thay đổi" và ở phạm vi rộng hơn là giải quyết các nguyên nhân khác gây mất an ninh lương thực như xung đột và hệ thống y tế yếu kém.
Save the Children nhấn mạnh Somalia, nơi được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, vẫn đang phải gánh chịu ảnh hưởng do hạn hán và lũ lụt. Những trận mưa lớn và lũ lụt gần đây tại nước này đã khiến khoảng 650.000 người phải di dời, trong đó khoảng một nửa là trẻ em. Trong khi đó, tại Pakistan, 2 triệu trẻ em vẫn bị suy dinh dưỡng cấp tính sau đợt lũ lụt làm ngập 1/3 lãnh thổ nước này hồi năm ngoái. Tính trên toàn cầu, tổ chức trên ước tính 774 triệu trẻ em, chiếm 1/3 tổng số trẻ em đang chịu tác động do nghèo đói và rủi ro cao từ biến đổi khí hậu.
Cũng liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực, trong báo cáo được công bố hồi tuần trước, Save the Children cho hay hơn 17,6 triệu trẻ em sẽ sinh ra trong cảnh đói ăn trong năm 2023, tăng 20% so với một thập kỷ trước.