Các trường tư còn bối rối vì COVID-19?

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19?

Một bầu không khí vắng lặng chưa từng thấy đang bao trùm lên các trường tư tại Hà Nội khi số lượng các ca bệnh COVID-19 mỗi ngày một tăng lên.

_______________

Học sinh tạm dừng đến trường, những kỳ thi đã được lên kế hoạch chưa biết đến bao giờ mới có thể tổ chức. Năm học cũ còn chưa bế giảng, năm học mới sao có thể tuyển sinh? Điều được quan tâm lúc này là liệu các nhà trường đã sẵn sàng liều “vaccine” cho chính mình để không rơi vào cảnh kêu cứu vì đại dịch như một năm trước đây.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 1

Dạo quanh các group thảo luận của phụ huynh có con vào lớp 1 trên các trang mạng xã hội trong thời điểm này sẽ thấy câu chuyện của các bậc cha mẹ đã xoay quanh vấn đề hoàn thiện thủ tục nhập học hay mua giáo trình từ nước ngoài để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 2

Theo chị Thúy Nga, thành viên tích cực của nhóm Tìm trường và đồng hành cùng con vào Tiểu học tại Hà Nội với khoảng 28.000 lượt theo dõi trên Facebook, hiện tại hầu hết các trường tư đã tuyển đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu cho năm học 2021 - 2022. Còn những trường dân lập thuộc hàng “top” như Marie Curie, Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm… có lẽ đã hết chỗ từ lâu.

“Tôi có một bé đang học lớp 3 và một bé năm nay vào lớp 1 nên theo dõi khá sát thông tin tuyển sinh hàng năm. Theo kinh nghiệm của tôi, cứ vào khoảng cuối tháng 12 hàng năm là các trường tiểu học tư thục lại rầm rộ chia sẻ thông tin tuyển sinh dưới hình thức các câu lạc bộ giúp trẻ làm quen với lớp 1. Tuy nhiên năm nay có khác, tôi chứng kiến một không khí tuyển sinh có phần gấp gáp hơn mọi khi”, chị Thúy Nga chia sẻ.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 3

Lý giải về điều trên, chị Nga cho rằng, có thể do đợt nghỉ dịch ngắn ngày sau Tết Tân Sửu đã khiến các trường hoàn thiện công tác tuyển sinh sớm. Để nhỡ có giãn cách xã hội thì phụ huynh cũng không ngại cho con đi test còn các trường thì đã chuẩn bị danh sách xếp lớp cho năm sau. “Thời buổi khó khăn nên các trường cũng rất nhanh nhạy, vì không còn chuyện trâu chậm vẫn uống được nước trong nữa” - chị Nga ví von.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 4

Đó là câu chuyện của khối Tiểu học. Với các trường tư có khối THCS, THPT, không thể dựa vào cái cớ mở câu lạc bộ trải nghiệm trường lớp để tuyển sinh sớm. Tuy vậy, những cơ sở giáo dục này cũng đã có động thái chuyển đổi rất khẩn trương để bắt kịp với tình hình thực tế mới.

Trong đó, các trường không chỉ đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, mà còn giải quyết nan đề tuyển sinh đầu cấp trong mùa dịch. Một trong số những phương án tuyển sinh cấp tốc đang được nhiều trường lựa chọn hiện nay là chuyển từ hình thức thi tuyển trực tiếp sang hình thức thi tuyển trực tuyến.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 5

Trong thông báo tuyển sinh phát hành vào đầu tháng 3, trường THPT Đào Duy Từ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sẽ tổ chức các đợt phỏng vấn kiến thức rải rác từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2021, dành cho thí sinh có nguyện vọng nhập học tại trường.

Tuy nhiên dịch COVID-19 bất ngờ quay lại, kế hoạch thi tập trung bắt buộc phải hủy bỏ. Nhưng với sự tính toán và chuẩn bị từ trước nên nhà trường rất nhanh chóng chuyển sang kế hoạch dự trù là thi tuyển online.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 6

Cụ thể, thí sinh có nguyện vọng học tập tại trường THPT Đào Duy Từ năm học 2021 - 2022 sẽ tham gia kỳ thi tuyển trực tuyến của nhà trường. Theo đó, đề thi sẽ được trường gửi qua Zalo tới từng thí sinh vào một khung giờ nhất định. Thí sinh nhận đề sau đó làm bài trên giấy, tại nhà, theo đúng thời lượng đã được quy định. Cuối giờ thi, thí sinh thực hiện thêm công đoạn chụp ảnh rõ nét bài làm rồi gửi những hình ảnh đó vào hộp thư điện tử do nhà trường cung cấp.

Dù chưa biết hình thức này có thực sự hiệu quả và đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh hay không. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi phương thức xét tuyển phần nào đã làm an lòng các bậc cha mẹ khi thấy con không cần rời nhà mà vẫn hoàn thành được kỳ thi đầu vào quan trọng.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 7

Không chỉ đau đầu để giải quyết bài toán tuyển sinh, một mùa khai giảng sắp bắt đầu cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đứng trước một phương trình kinh doanh lạ lẫm, có nhiều biến số khi xuất hiện COVID-19.

Phải thừa nhận một điều, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn đang tác động vào đời sống và kinh tế của từng hộ gia đình. Nên việc các trường tư san sẻ gánh nặng học phí trực tuyến với các bậc cha mẹ là sự đồng hành cần thiết để duy trì mối quan hệ bền chặt giữa gia đình và nhà trường.

Nhưng việc học sinh tạm dừng đến lớp, phải tổ chức học trực tuyến và học phí buộc phải tính toán lại cũng đưa đến hệ lụy nhãn tiền là các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp tục lâm vào tình cảnh khó khăn. Bởi dù học sinh ở nhà và không sử dụng các dịch vụ về cơ sở vật chất, nhưng các trường vẫn phải gánh trên vai những khoản tiền khổng lồ để duy trì hệ thống tương tự những ngày chưa có dịch như: chi phí thuê mặt bằng, chi phí trả lương cho các bộ phận, chi phí vận hành... Ngoài ra, sự sụt giảm nguồn thu dự tính cũng khiến các hạng mục đầu tư của nhà trường bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 8

Không chỉ kiệt sức khi đối phó với những tháng dài học trực tuyến, mà ngay cả khi học sinh đã trở lại trường, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập vẫn vướng phải những lùm xùm kiện tụng với phụ huynh về vấn đề thu học phí online không thỏa đáng với chất lượng dạy học.

Trong đợt học sinh tạm dừng đến trường đầu tiên do tác động của COVID-19, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng, các bộ, ban ngành về vấn đề hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nếu không có các chính sách hỗ trợ thì 90% những đơn vị này sẽ bị phá sản nếu dịch bệnh còn kéo dài do không cân đối được thu chi.

Để tránh lặp lại tình trạng trên, cũng như không còn cảnh giống với một năm trước khi có tới 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi kiến nghị khẩn tới Thủ tướng để xin hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh, trong năm học thứ hai dự kiến cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ COVID-19 này, thay vì việc dậm chân chờ dịch, bài toán kinh doanh giáo dục của các trường tư thục bắt buộc phải thay đổi.

Tìm hiểu vấn đề này, Ngày Nay đã liên hệ với ông Nghiêm Nhật Anh, Giám đốc Vận hành của trường Liên cấp Everest, để trao đổi về chiến lược kinh doanh của nhà trường cho năm học tới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự chuyển dịch trong chính sách tài chính của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để vừa đảm bảo nhà trường “sống khỏe” trước diễn biến bất ngờ của dịch bệnh, vừa mang lại giá trị kiến thức cho học sinh cũng như thuyết phục được các bậc cha mẹ trong vấn đề chi trả học phí.

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 9

Ông Nghiêm Nhật Anh cho biết: “Những khó khăn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế mà còn đòi hỏi các nhà trường chuẩn bị kỹ càng về công nghệ, nhân lực cũng như nề nếp học tập cho học sinh. Trải qua năm COVID-19 đầu tiên với sự tiếp tục đầu tư và nỗ lực đảm bảo chất lượng giảng dạy của chúng tôi thì phụ huynh đã trở nên thiện chí hơn với mức học phí online được áp dụng. Từ đó chế độ dành cho giáo viên được cải thiện và các thầy cô yên tâm công tác. Mấu chốt của vấn đề dạy học trong mùa dịch là làm thế nào để tất cả các bên cùng nhìn về một hướng, đó chính là lợi ích cho học sinh, mà cùng nhau vượt khó.”

Các trường tư còn bối rối vì COVID-19? ảnh 10

Bài: Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.