Câm điếc - bệnh trạng hay một đặc trưng văn hóa?

[Ngày Nay] - Khoảng 90% trẻ em câm điếc có cha mẹ là những người có khả năng nghe bình thường. Cấy ốc tai là một lựa chọn đầy hấp dẫn đối với họ bởi nó hứa hẹn sẽ giúp cha mẹ và con có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn. 
Thiết bị điện tử không phải là cứu cánh.
Thiết bị điện tử không phải là cứu cánh.

Ốc tai điện tử có phải cứu cánh?

Bandon Edquist, người Mỹ, bị điếc từ năm 2 tuổi. Năm 3 tuổi, cậu được phẫu thuật cấy ốc tai.

Giờ đây, sau hơn 20 năm, cậu còn nhớ rõ cuộc phẫu thuật đó. “Tôi đang ngồi cùng bố trong phòng chờ thì có một bác sĩ tiến lại gần, trên tay ông ấy có chiếc xe ô tô đồ chơi Fisher Price”, Edquist cho biết. “Rồi ông ấy đưa tôi vào phòng phẫu thuật, lên bàn mổ và gây mê. Điều tiếp theo tôi có thể nhớ được là cảm giác đau đớn phía trong đầu sau cuộc phẫu thuật”.

Khoảng 90% trẻ em câm điếc có cha mẹ là những người có khả năng nghe bình thường. Cấy ốc tai là một lựa chọn đầy hấp dẫn đối với họ bởi nó hứa hẹn sẽ giúp cha mẹ và con có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn. Ốc tai được cấy vào phía trong tai, nối với một thiết bị thu ở phía ngoài tai có nhiệm vụ thu tiếng động và chuyển chúng thành xung điện tử tới não bộ. Thứ não bộ nhận được không phải âm thanh bình thường mà là những tín hiệu mà người câm điếc phải học cách giải mã thành các từ ngữ. Trên thế giới, có khoảng 100.000 người được cấy ốc tai. Trẻ em câm điếc nếu được cấy ốc tai từ nhỏ có cơ hội có thể nghe và hiểu ngôn ngữ giao tiếp thông thường mà không cần hỗ trợ thị giác.

Câm điếc - bệnh trạng hay một đặc trưng văn hóa? ảnh 1Sinh viên của Đại học Gallaudet

Tuy nhiên, công nghệ này không hoàn toàn là một cứu cánh. Ốc tai không giúp người câm điếc nghe hiểu được ngay. Họ phải trải qua nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trị liệu ngôn ngữ, học cách xử lý tín hiệu âm thanh đến từ thiết bị này. Họ cũng phải học cách đọc khẩu hình, nhận biết âm và nói.

Edquist cũng được cha mẹ đưa đi trị liệu ngôn ngữ, nhưng cái ốc tai khiến cậu bé cảm thấy khổ sở. Nó tạo ra một vang âm liên tục trong đầu, khiến cậu không thể tập trung vào những âm thanh khác. Cậu bắt đầu học cách liên hệ âm thanh với từ ngữ, nhưng cảm thấy khó khăn đến choáng ngợp. Edquist cũng không thể phân biệt được sự khác biệt của một số âm khác nhau. Một cách ngấm ngầm, cậu bé chống đối lại cái ốc tai của mình.

“Tôi thường cố tình làm hỏng ốc tai của mình bằng cách thả vào bồn cầu, hoặc cuốn dây dẫn quay xích đu để nó bị đứt”, Edquist cho biết. “Nhưng dù tôi có bày trò gì, thì bố mẹ cũng luôn đưa tôi trở lại bệnh viện để đặt ốc tai mới”.

Khi học cấp II, Edquist chịu khó đeo ốc tai hơn nhưng cũng thường xuyên tắt nó đi, trái với mong muốn của bố mẹ. Bởi vậy, cầu thường xuyên bị phạt và bị cấm túc. Chỉ cho đến khi Edquist lên cấp III, bố mẹ cậu mới quyết định đầu hàng: Nhiều năm trị liệu ngôn ngữ đã không mang lại kết quả khả quan. Con trai họ cũng thoải mái với việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hơn là phải sống với cái ốc tai này.

“Trước đó, bố mẹ tôi liên tục cảnh báo rằng cái ốc tai là vô cùng cần thiết để tôi có thể hòa nhập vào xã hội và nó sẽ đem lại cho tôi một tương lai tươi sáng. Nhưng điều đó không đúng. Tôi đã gặp rất nhiều người đã phẫu thuật cấy ốc tai nhưng quyết định không dùng đến nó nữa”, Edquist cho biết. “Cấy ốc tai không phải là cách duy nhất mà những người câm điếc có thể có được cuộc sống viên mãn”.

Gìn giữ một nền văn hóa

Nếu Edquist chối bỏ ốc tai điện tử một cách bản năng, thì nhiều người câm điếc khác chủ động nói không với phương pháp trị liệu này. Theo họ, biện pháp cấy ốc tai là minh chứng cho một quan niệm xã hội rằng người câm điếc cần được chữa chạy - một quan niệm mà họ không đồng tình.

Các cuộc biểu tình trong yên lặng là hình ảnh thường thấy tại các Hội nghị chuyên đề thường niêm về ngôn ngữ nghe và nói của Hiệp hội vì người câm điếc Alexander Graham Bell (AGB). Những người câm điếc, dù không thể lên tiếng, dùng ngôn ngữ ký hiệu để bày tỏ sự phản đối đối với một tổ chức có mục đích hoạt động vì quyền lợi của chính họ. Nói đúng hơn, họ phản đối những nội dung được đưa ra thảo luận tại các hội nghị chuyên đề, phần lớn tập trung vào việc phát triển khả năng nghe và nói cho người khiếm thính. Rất nhiều nhà tài trợ cho hội nghị này có liên quan tới các công ty kinh doanh ốc tai điện tử.

Sứ mệnh hoạt động của AGB là “giúp các gia đình có người câm điếc, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và chuyên gia giáo dục hiểu về tầm quan trọng của việc chẩn đoán và can thiệp sớm tình trạng câm điếc”. Tổ chức này đề cao các phương pháp nhấn mạnh và ngôn ngữ nói và hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Trên thực tế, đường lối này được hiện thực hóa bằng cách truyền bá, giảng dạy những phương pháp giao tiếp như đọc khẩu hình, tập nói thông qua việc bắt chước cách lấy hơi và khẩu hình, và gần đây nhất là công nghệ cấy ốc tai.

Tuy nhiên, theo tổ chức vận động vì quyền lời của người câm điếc Deaf Australia, việc cấy ốc tai gửi đi một thông điệp rằng người câm điếc là người bệnh tật, không hoàn thiện, không thể giao tiếp hiệu quả với những người khác. Điều này hạ thấp giá trị của người câm điếc, xem thường văn hóa và ngôn ngữ của họ, coi nhẹ những thành quả họ đạt được trong cuộc sống.

Ông David Peters, một thành viên của Hội Người câm điếc tiểu bang Victoria, Australia cho biết, quan niệm cho rằng câm điếc là một khiếm khuyết cần được điều trị là một quan niệm sai lầm. Ông Peters là một trong số rất đông người câm điếc cho rằng câm điếc không phải một khiếm khuyết mà là một đặc trưng, một khác biệt văn hóa.

Câm điếc - bệnh trạng hay một đặc trưng văn hóa? ảnh 2

 “Cộng đồng người câm điếc chúng tôi cho rằng, khi bạn câm điếc, bạn hoàn toàn bình thường”, ông cho biết. “Tôi cảm thấy hoàn toàn ổn và không thấy có lý do gì phải làm phẫu thuật cấy ốc tai”.

Từ năm 1972, Giáo sư James Woodward - một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về người câm điếc và ngôn ngữ ký hiệu đã đề xuất khái niệm về văn hóa câm điếc. Từ đó tới nay, nhiều quốc gia như Anh và Mỹ đã sử dụng rộng rãi từ “Deaf” (với chữ D viết hoa) để chỉ về “một nhóm người, với khả năng thính giác khác nhau, có ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu là ngôn ngữ ký hiệu, và có chung một vốn di sản, văn hóa”.

Một trong những lý do khiến nhiều người câm điếc quyết liệt phản đối biện pháp trị liệu cấy ốc tai là biện pháp này sẽ đe dọa đến sự tồn tại của ngôn ngữ ký hiệu - ngôn ngữ mà họ cho là một đặc trưng văn hóa của cộng đồng câm điếc. Trên toàn thế giới, có tới hơn 200 bộ ngôn ngữ ký hiệu khác nhau và đều được coi là những tài sản quý giá của văn hóa câm điếc.

Tuy nhiên, không chỉ có các bộ ngôn ngữ ký hiệu, mà văn hóa câm điếc được xây dựng bằng những niềm tin, giá trị và đặc trưng văn học, nghệ thuật của cộng đồng này. Trong văn hóa câm điếc, con người đề cao tính tập thể hơn tính cá nhân. Văn hóa câm điếc đề cao cách giao tiếp thẳng thắn, trực diện nhưng cũng duy trì những phép tắc xã giao lịch thiệp, chuẩn mực hơn thông thường.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, văn hóa câm điếc không đề cao việc sử dụng từ “khiếm thính” khi nói về người câm điếc. Họ quan niệm rằng từ “khiếm thính” ám chỉ rằng câm điếc là một tình trạng bệnh lý chứ không phải một đặc tính riêng biệt. Hơn nữa, từ “khiếm thính” chỉ tập trung vào khía cạnh sinh học của tình trạng câm điếc và bỏ qua những đặc sắc ngôn ngữ và văn hóa của những cộng đồng người câm điếc. Văn hóa câm điếc không đề cao việc người câm điếc phải nỗ lực thay đổi để thích nghi với xã hội, mà yêu cầu xã hội phải tôn trọng cộng đồng người câm điếc, phải ghi nhận những thế mạnh của họ và tạo điều kiện để họ hòa nhập được vào xã hội.

Trường đại học Gallaudet ở thủ đô Washington DC của Mỹ là một trong những đại diện xuất sắc của văn hóa câm điếc. Đây là trường đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế để tháo bỏ mọi rào cản đối với người câm điếc.

Câm điếc - bệnh trạng hay một đặc trưng văn hóa? ảnh 3Văn hóa câm điếc.

“Một trong những điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là việc mọi giáo viên ở đây đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ASL”, một sinh viên giấu tên của trường Gallaudet cho biết. “Tôi không cần tới một phiên dịch như khi còn đi học ở trường phổ thông”.

Chính tại đại học Gallaudet mà người sinh viên này đã có trải nghiệm thực tế về văn hóa câm điếc. Cũng giống như những nền văn hóa khác, người câm điếc cũng có lịch sử, truyền thống, giá trị, cách sáng tạo nghệ thuật, ngôn ngữ và những danh nhân của riêng công đồng mình. Khi đã đi sâu vào nền văn hóa này, những sinh viên câm điếc nhận ra rằng họ không cần thiết phải cấy ốc tai.

“Khi tôi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và tìm hiểu sâu hơn về mọi khía cạnh của văn hóa câm điếc, tôi cuối cùng cũng đã tìm ra chính mình”, người sinh viên cho biết. “Tôi là người câm điếc và tôi thấy tự hào về điều đó. Từ đó về sau, tôi không thấy cần phải đeo ốc tai nữa”.

Việc người câm điếc từ chối cấy ốc tai gửi đi một thông điệp mà người bình thường không phải khi nào cũng hiểu: Rất nhiều người câm điếc không hề muốn được “điều trị” để trở nên giống như người bình thường. Văn hóa câm điếc là điều hiện hữu và được trân trọng, bảo tồn.

“Có vô số người câm điếc vô cùng thông tuệ và thành công”, người sinh viên đại học Gallaudet cho biết. “Nói cho cùng thì người câm điếc chẳng thua kém gì ai, chúng tôi chỉ khác biệt vì chúng tôi không nghe bằng tai”.  

"Nói cho cùng thì người câm điếc chẳng thua kém gì ai, chúng tôi chỉ khác biệt vì chúng tôi không nghe bằng tai”. 

 
Gallaudet

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.