Ngày 16/12 tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết đây là nơi đi đầu trong lĩnh vực cấy ốc tai điện tử. 300 ca mổ đều thành công, bệnh nhân đạt được ngưỡng nghe trong vùng ngôn ngữ từ 3 tháng đến một năm sau phẫu thuật để có thể giao tiếp với cộng đồng. Trong số đó có 26 em bé dưới 2 tuổi, 208 trẻ từ 2 đến 6 tuổi.
Theo bác sĩ Minh, trẻ được cấy điện cực ốc tai càng sớm thì sự phát triển ngôn ngữ càng cao, tốt nhất là trước 2 tuổi. Các bệnh nhi nghe kém bẩm sinh sau 2-3 năm trị liệu ngôn ngữ đều có thể hòa nhập tại các trường học dành cho trẻ thường.
Trước đây trẻ khiếm thính bẩm sinh thường phải chịu cảnh sống trong câm lặng suốt đời, chỉ có thể vào trường khuyết tật để học giao tiếp bằng tay, bằng đọc hình miệng chứ không còn cách chữa. Trẻ điếc quá sâu thì máy trợ thính hầu như không mang lại tác dụng.
Cấy ốc tai điện tử đa kênh là phẫu thuật đặt một thiết bị có khả năng biến những âm thanh thành các tín hiệu điện thông qua điện cực đặt bên trong ốc tai. Từ đó tín hiệu này được chuyển đến các tế bào của hạch xoắn rồi theo dây thần kinh thính giác đến vỏ não. Sau phẫu thuật khoảng một tháng, bệnh nhân được bật máy, bắt đầu làm quen với âm thanh và trải qua quá trình chịu khó tập luyện dưới sự hỗ trợ của chuyên gia thính học để có thể nghe nói.
Khó khăn hiện nay là mỗi ca mổ tốn chi phí khoảng 500 triệu đồng ở một bên tai do thiết bị quá đắt tiền. Những năm gần đây Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp điếc câm mỗi năm nhưng số ca mổ thực hiện chỉ khoảng 40-50 do các gia đình không đủ chi phí trả.
Theo Vnexpress