'Căn bệnh' K-Pop và cuộc chiến văn hóa của Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Âm nhạc, điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Triều Tiên, điều này đã thôi thúc ông Kim Jong-un tiến hành một cuộc chiến văn hóa chống lại sức ảnh hưởng của K-Pop.
'Căn bệnh' K-Pop và cuộc chiến văn hóa của Triều Tiên

Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim đã gọi K-Pop là “căn bệnh ung thư quái ác, làm sai lệch trang phục, kiểu tóc, hành vi và phát ngôn” của giới trẻ nước này. Truyền thông Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát, K-Pop sẽ khiến nước này trở nên “mục nát như một bức tường bị ẩm mốc”.

Trong những tháng gần đây, ông Kim và các phương tiện truyền thông Triều tuyên thường xuyên chỉ trích những ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc hay các các video âm nhạc K-pop đang lan rộng tại nước này. Những động thái nhằm kiểm soát tình hình của chính quyền Bình Nhưỡng thể hiện nỗ lực “dập tắt cuộc xâm lược văn hoá” từ bên ngoài.

Thông quá các lô đĩa nhập lậu từ Trung Quốc, văn hoá giải trí Hàn Quốc đã dần dần du nhập vào Triều Tiên và ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều người trẻ ưa chuộng. Điều này phần nào tạo ra những thách thức với lối sống truyền thống từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người dân quốc gia này.

'Căn bệnh' K-Pop và cuộc chiến văn hóa của Triều Tiên ảnh 1

Triều Tiên coi các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như một "căn bệnh" đầu độc tư tưởng thanh niên. Ảnh: NY Times

Lo ngại trước sự hiện diện của nền văn hoá Hàn Quốc và những ảnh hưởng của nó, Triều Tiên đã ban hành một điều luật mới vào tháng 12 năm ngoái trong đó quy định những người xem hoặc sở hữu các ấn phẩm giải trí của Hàn Quốc sẽ phải chịu mức phạt từ 5–15 năm trong các trại cải tạo lao động. Mức phạt tối đa cho những hành vi này trước đây chỉ là 5 năm lao động công ích.

Trong khi đó, những ai cố tình lan truyền những ấn phẩm này tại Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với những hình phạt hà khắc hơn, thậm chí là cả mức án tử hình. Theo nguồn tin được tiết lộ, điều luật mới này của Triều Tiên cũng quy định mức phạt lao động khổ sai lên đến 2 năm đối với những ai “nói, viết hoặc hát theo phong cách Hàn Quốc”.

Điều luật mới được Triều Tiên ban hành sau khi ông Kim Jong-un liên tục lên án những ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai du nhập vào trong nước. Hồi tháng 4, ông Kim từng cảnh báo rằng “một sự thay đổi nghiêm trọng” đang chiếm lĩnh “tư tưởng và tinh thần” của giới trẻ Triều Tiên.

Và vào tháng trước, tờ báo Rodong Sinmun nhận định rằng Triều Tiên sẽ "sụp đổ" nếu những ảnh hưởng của văn hoá giải trí Hàn Quốc tiếp tục gia tăng.

“Đối với ông Kim Jong-un, cuộc xâm lăng văn hóa từ Hàn Quốc đã vượt quá mức có thể chấp nhận được”, ông Ishimaru Jiro, tổng biên tập của tờ Asia Press International, nhận định. “Ông ấy lo ngại rằng nếu điều này không được kiểm soát, người dân sẽ ngày càng có cảm tình với Hàn Quốc”.

Trong các cuộc hẹn hò, thay vì gọi đối phương là “bạn”, giới trẻ Triều Tiên đã sử dụng những ngôn ngữ xưng hô như “oppa” (anh yêu) hay “honey” (em yêu) giống như trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên lên tiếng đả kích một “cuộc xâm lược về ý thức hệ và văn hóa”.

Tất cả radio và TV tại quốc gia này vốn đều được cài đặt sẵn, chỉ nhận tín hiệu từ các chương trình phát sóng của chính phủ. Bên cạnh đó, chính quyền nước này cũng đã chặn người dân của mình sử dụng mạng Internet toàn cầu. Các đội tuần tra kỷ luật được thiết lập ngăn những người đàn ông để tóc dài hay những người phụ nữ mặc váy quá ngắn, quần quá bó trên đường phố.

Nhưng có lẽ những động thái này của chính quyền Bình Nhưỡng là muộn màng, bởi kể từ những năm 1990, văn hoá giải trí Hàn Quốc đã dần len lỏi vào vào xã hội Triều Tiên.

'Căn bệnh' K-Pop và cuộc chiến văn hóa của Triều Tiên ảnh 2

Một sự kiện giao lưu hiếm hoi có sự tham gia của các nghệ sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: NY Times

Ông Jung Gwang-il 58 tuổi, một người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên, kể lại rằng trước đây, ông đã từng xem một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc có tên “Ghen tuông” kể về tình yêu của tuổi trẻ, và cảm thấy bị sốc văn hóa.

“Màn hình TV của Triều Tiên chỉ phát các chương trình chính trị. Không hề có bất kì chương trình nào thể hiện cảm xúc tự nhiên của con người giống như hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ hôn nhau", ông Jung chia sẻ.

Trong một cuộc khảo sát mà Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul thực hiện với 116 người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 2018 - 2019, gần một nửa số đó cho biết họ “thường xuyên” xem các chương trình giải trí của Hàn Quốc khi còn ở quê nhà.

Ông Kim cũng đã từng có lần tỏ ra cởi mở trước sự du nhập của văn hóa bên ngoài. Vào năm 2012, trong một chương trình được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước, ông đã giơ ngón tay cái biểu thị sự khen ngợi dành cho một nhóm nhạc nữ đang biểu diễn bài hát thuộc chủ đề nhạc Rock với sự phụ hoạ của các nhân vật hoạt hình như chuột Mickey và chuột Minnie.

'Căn bệnh' K-Pop và cuộc chiến văn hóa của Triều Tiên ảnh 3

Một cửa hàng bán giày thi đấu bóng rổ tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NY Times

Chính phủ Triều Tiên cũng từng cho phép mở một số gian hàng bán các vật phẩm hình nhân vật nổi tiếng của Disney như “Vua sư tử” hay “Cô bé lọ lem” ở Bình Nhưỡng. Theo nguồn tin từ đại sứ quán Nga tại Triều Tiên cho biết vào năm 2017, các nhà hàng cũng được phép chiếu các bộ phim và chương trình truyền hình của nước ngoài.

Nhưng niềm tin của ông Kim đã suy yếu sau khi các nỗ lực đàm phán với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, không đem tới kết quả vào năm 2019.

Kể từ đó, ông đã thề sẽ dẫn dắt đất nước của mình vượt qua những khó khăn bằng cách xây dựng một "nền kinh tế tự lực", ít phụ thuộc vào thương mại với thế giới bên ngoài.

Theotờ Daily NK, Triều Tiên đã khuyến khích người dân tố cáo nếu như phát hiện những người khác xem các bộ phim của Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã không tuân thủ trước những quy định mới của các nhà chức trách, thậm chí chính những người hàng xóm còn chỉ điểm giúp họ thoát khỏi các cuộc truy quét của cảnh sát.

“Hiện tượng phát tán các ấn phẩm tuyên truyền tại đây không những không biến mất mà còn tiếp tục gia tăng”, tờ Daily NK thông tin.

Theo NY Times
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.