GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Đó là ông Đoàn Văn Quang (đã đổi tên, 52 tuổi).
Ông Quang chia sẻ thời gian gần đây không thể ngủ. Thậm chí, 5 ngày gần đây nhất, ông thức trắng đêm. Do đó, ông thường xuyên mệt mỏi, đau đầu. Nhiều thú vui thường ngày cũng không khiến ông còn hứng thú.
“Tôi cảm thấy rất mệt mỏi dù không phải làm gì. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ tới cái chết, nhưng thương vợ thương con cháu nên tôi lại cố gắng sống tiếp”, ông Quang nói.
GS Đức cho hay bệnh nhân Quang được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Ba tháng trước, bệnh nhân từng bị đột quỵ nhẹ và được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân gây ra trầm cảm của bệnh nhân rất có thể liên quan tới tiền sử đột quỵ.
Bác sĩ sẽ cần phải thăm khám kỹ hơn để xác định trầm cảm do bệnh lý hay trầm cảm có từ trước và là nguyên nhân gây ra đột quỵ.
Qua trường hợp này, GS Đức cho hay rất ít người biết tới một nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm hay gặp ở những người có bệnh lý trên cơ thể như bệnh dạ dày, hen phế quản, khớp, nội tiết, tiểu đường, ung thư…
Các bệnh lý cơ thể nếu thường xuyên tái đi, tái lại không được điều trị dứt điểm rất dễ cho người bệnh rơi vào tâm trạng lo âu, buồn phiền lâu ngày tích tụ sẽ dẫn tới trầm cảm. Một số bệnh nhân không còn muốn sống, chọn cái chết để giải thoát cho bản thân.
Chuyên gia cho biết sự tương tác giữa bệnh cơ thể và bệnh trầm cảm là một hiện tượng phức tạp, nhiều yếu tố sinh học, tâm lý học. Hai loại trầm cảm có liên quan tới bệnh cơ thể là trầm cảm nguyên phát có thể xuất hiện cùng lúc với bệnh cơ thể mà không có liên hệ nhân quả; trầm cảm thứ phát được coi là hậu quả của một bệnh cơ thể hoặc là phản ứng phụ của thuốc điều trị.
Khi trầm cảm xảy ra cùng với một bệnh cơ thể được điều trị bằng các liệu pháp hóa dược phối hợp liệu pháp tâm lý.
Giáo sư Đức đã từng chứng kiến một bệnh nhân mắc hen phế quản rất bi quan về căn bệnh của mình nên đã rơi vào trầm cảm. Bệnh nhân luôn có tư tưởng muốn chết và nhiều lần tự sát nhưng không thành. Sau đó gia đình đã đưa bệnh nhân đi điều trị tâm thần. Sức khỏe của bệnh nhân này hiện nay đã ổn định.
“Các đối tượng có bệnh lý cơ thể cần phải tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phòng trầm cảm bằng cách có lối sống lành mạnh, lạc quan, dinh dưỡng tốt. Khi có những triệu chứng tâm lý bất thường như mất ngủ, buồn chán, lo âu, bệnh nhân nên đi khám sức khỏe tâm thần”, GS Đức khuyến cáo.