Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới TEMU của Trung Quốc hoạt động thông qua mô hình kinh doanh M2C (hoặc C2M) – đưa sản phẩm từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng mà không cần thông qua trung gian phân phối.
Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới TEMU của Trung Quốc đưa sản phẩm từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng mà không cần thông qua trung gian phân phối.
Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới TEMU của Trung Quốc đưa sản phẩm từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng mà không cần thông qua trung gian phân phối.

Mô hình thương mại điện tử đã tiến hoá

Ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency nhận định, TEMU đã tiến hoá lên một bước cao hơn trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Ban đầu, khi thương mại điện tử xuất hiện chỉ đơn thuần là một trung gian kết nối giữa người bán và người mua, hưởng hoa hồng. Sau đó, các sàn phát triển lên một bước cao hơn là liên kết với một số nhà sản xuất hàng hoá, tận dụng lợi thế về công nghệ để đảm bảo doanh số bán hàng.

“Với TEMU, nền tảng này đã tiến hoá lên bước thứ ba. TEMU đàm phán, thoả thuận với các nhà sản xuất để đặt số lượng sản phẩm, hàng hoá lớn. Như vậy, khi trở thành đối tác của TEMU, nhà sản xuất không còn phải lo lắng về đầu ra cho tất cả sản phẩm, hàng hoá của họ nữa. Nhà sản xuất chỉ việc bán cho TEMU, việc còn lại TEMU giải quyết. Khi đó, TEMU sẽ có được giá gốc tốt nhất.

Nói như thế không có nghĩa là Nhà sản xuất gặp bất lợi về giá, không có ai làm ra một sản phẩm mà bán lỗ cả. Khi bán sỉ cho TEMU, họ sẽ cắt giảm được rất nhiều chi phí khác như: nhân sự, kho bãi, vận chuyển, phân phối, Marketing…, những yếu tố tốn kém trong chuỗi cung ứng hiện nay”, ông Vĩ nhận định.

Founder Buzi Agency kể: “Xưa nay chúng ta thường có cái nhìn không tốt về các sản phẩm, hàng hoá Trung Quốc, cho rằng tất cả đều là hàng nhái hoặc kém chất lượng. Nghĩ như vậy là chưa chính xác, tôi có nhiều dịp được cùng làm việc với các nhà sản xuất của họ. Họ thường hỏi nhu cầu của khách hàng như thế nào để có thể sản xuất đúng mong muốn.

Chẳng hạn, một cái ly uống nước thuỷ tinh hoàn chỉnh có giá 70.000 đồng. Khách hàng không đồng ý, đề nghị họ làm ra sản phẩm cùng mẫu mã, cùng kích thước, cùng thể tích… nhưng giá 30.000 đồng thôi. Và nhà sản xuất sẽ có cách làm cho sản phẩm trông giống hệt nhau nhưng giá khác nhau. Tức là người bán hàng muốn thế nào thì người sản xuất sẽ làm thế ấy, thượng vàng hạ cám đủ cả”.

Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào? ảnh 1
Ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency

Quay lại câu chuyện với TEMU, ông Vĩ cho biết cảm thấy khá rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có thương hiệu, thậm chí cả những sàn thương mại điện tử tên tuổi trong nước trước làn sóng đổ bộ của TEMU. Những doanh nghiệp này có thể thua ngay trên sân nhà nếu cạnh tranh về giá với sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang xảy ra tình trạng giảm phát, tức việc giảm liên tục mức giá chung của hàng hoá và dịch vụ nên cũng dễ hiểu khi hàng hoá giá rẻ tràn qua các quốc gia lân cận.

“Người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay sẽ ưu tiên hàng hoá giá rẻ, thấy giá rẻ thì lựa chọn, chứ hoàn toàn không biết chất lượng thế nào, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở đâu? Tôi từng mua một bộ dụng cụ nhà bếp bằng nhựa trên một sàn thương mại điện tử cũng xuất phát từ Trung Quốc. Khi nhận hàng thấy khá ổn, cán bằng gỗ rất đẹp, nhưng sử dụng được vài lần thì nhựa bắt đầu nhão ra, phải bỏ đi.

Vấn đề chúng ta cần quan tâm là kiểm soát chất lượng hàng hoá trên TEMU như thế nào? Tôi ví dụ, nếu mỗi ngày có khoảng một triệu đơn hàng giá rẻ được chuyển qua biên giới thì chắc chắn không có nguồn lực nào kiểm tra, kiểm định nổi. Và câu chuyện quản lý thuế đối với hàng hoá giá rẻ dưới ngưỡng đánh thuế nữa?”, ông Vĩ nhận định.

Cần có công cụ quản lý thuế và chất lượng

Theo Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, vấn đề cần đặt ra là hiện nay TEMU đã đóng thuế hay chưa? Theo quy định, hàng hoá nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng thì không đóng thuế (Quyết định số 78 năm 2010 - PV) và họ có thể lợi dụng tạo ra những gói hàng giá thấp hơn ngưỡng chịu thuế, gây bất lợi cho những người làm ăn chân chính.

Bởi khi bán được một dòng sản phẩm, người bán phải bỏ ra rất nhiều chi phí về quản lý, nhân sự, Marketing…, mà chi phí Marketing thường rất lớn nếu như doanh nghiệp chưa có thương hiệu. Như vậy là cạnh tranh không công bằng, một người không đóng thuế và một người đóng thuế thì rõ ràng người đóng thuế phải chịu chi phí cao hơn.

Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào? ảnh 2

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân

Có thể ở thời điểm cách đây 10 năm quy định này là phù hợp nhưng đến thời điểm hiện tại cần xem xét lại, nếu như không còn phù hợp thì Luật phải sửa đổi, bổ sung. Chúng ta hội nhập cơ chế thị trường thì phải quản lý như thế nào để người bán cũng hưởng lợi mà người mua cũng hưởng lợi. Nếu không quản lý kỹ, người bán không đóng thuế vì pháp luật chưa có quy định và họ sẽ tìm cách để tận dụng những điều pháp luật không cấm để làm.

Hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử đã trở nên phổ biến và đang có xu hướng thay thế lĩnh vực kinh doanh truyền thống, từ sản phẩm vài chục ngàn đến một trăm ngàn đồng cũng qua mạng. Trong kinh doanh, có mặt hàng chịu thuế, có mặt hàng không chịu thuế, có loại 5%, có loại 2% và rõ ràng đây là thách thức đối với cơ quan quản lý trong việc xây dựng khung pháp lý.

Khi TEMU vào Việt Nam, nếu mỗi ngày có một triệu mặt hàng thì không thể nào kiểm soát. Như vậy có thể dùng thuế khoán, dựa trên giá tiền để đánh thuế nhưng cần phải nghiên cứu kỹ và có thời hạn áp dụng, chẳng hạn 5 năm, 7 năm. Nếu không có thời gian áp dụng thì sẽ gây ra bất lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ hai, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng là thách thức không nhỏ bởi giá rẻ thì chưa chắc chất lượng sẽ đảm bảo. Đất nước chúng ta đang trong quá trình phát triển, người dân thấy sản phẩm tạm chấp nhận được là mua, dùng một vài ngày có thể hư rồi bỏ. Vấn đề là giá thành quá rẻ - một trong những yếu tố cạnh tranh buộc chúng ta phải có chính sách để vừa quản lý được mà người tiêu dùng cũng thừa hưởng chất lượng sản phẩm và giá cả.

Kiểm soát chất lượng hàng triệu mặt hàng giá rẻ qua biên giới cũng là vấn đề cần quan tâm và để kiểm soát từng mặt hàng đó là điều không thể. Vậy phải có công nghệ để quản lý, có thể là mã QR Code để biết hàng hoá sản xuất ở nơi nào, chất lượng ra sao, tránh trường hợp chất lượng thấp mà lại bán giá cao, thậm chí là sản phẩm độc hại. Như chúng ta xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc cũng cần dán nhãn, gắn mã, họ chỉ cần quét là biết cây được trồng ở đâu. Nếu chúng ta quy định tất cả các hàng hoá đều có mã QR chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ thì khi người dân quét ra thông tin khác sẽ không mua.

Tóm lại, đây là những thách thức không nhỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần xem lại chính sách hiện tại có còn phù hợp không, có thể sửa đổi bổ sung Luật và có công cụ công nghệ cao để quản lý thuế, kiểm soát chất lượng hàng hoá để trước hết là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Hơn hết, nhà nước có thể chống thất thu thuế, không chỉ với TEMU mà cả các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tương tự đang nhắm vào thị trường 100 triệu dân.

Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào? ảnh 3

Giao diện website của TEMU

Cạnh tranh khốc liệt

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới TEMU vào Việt Nam sẽ cho thấy một bức tranh cạnh tranh khốc liệt giữa thương mại truyền thống trong nước với thương mại trên nền công nghệ cao của các tập đoàn nước ngoài. Họ chỉ áp dụng công nghệ, con người rất ít nhưng mang lại hiệu quả cao.

Theo ông, TEMU đã bỏ qua các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng truyền thống Nhà cung cấp - Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Nhà bán lẻ - Người tiêu dùng, và đánh giá: “Đây là việc rất hoan nghênh, họ bỏ qua trung gian để đi từ Nhà sản xuất đến Người tiêu dùng, không qua trung gian thì sẽ giảm chi phí, giảm giá thành và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về thuế và kiểm soát chất lượng”.

Những trung gian phân phối trong chuỗi cung ứng - có thể hiểu là quá trình giao thương giữa người mua và người bán trong tương lai sẽ mất dần, dưới góc độ kinh doanh không chuyên nghiệp và công nghệ AI lên ngôi thì một ngày nào đó sẽ biến mất khâu trung gian này hoàn toàn. Bây giờ, phương tiện tiếp cận không còn là thủ công nữa mà phải cập nhật công nghệ để quảng bá, buôn bán sản phẩm. Hơn nữa, thói quen mua sắm đã thay đổi, không cần phải bỏ thời gian đi siêu thị hay cửa hàng mà đặt tại các giỏ hàng trên các nền tảng internet.

Vì thế, doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để thích nghi và đoàn kết cùng nhau vì mỗi doanh nghiệp sẽ có thế mạnh và điểm yếu riêng. Doanh nghiệp trong nước phải tập hợp lại để phát huy lợi thế, cùng nhau khắc phục những mặt chưa đạt để cạnh tranh với những tập đoàn lớn đến từ nước ngoài. Đầu tiên phải tạo ra sản phẩm tốt, thứ hai là giá cả phù hợp, thứ ba là kênh truyền thông thương hiệu hiệu quả và điều thứ tư là kênh phân phối hàng hóa phải theo kịp với thời đại – bốn điều quan trọng này phải làm được trong thời gian sắp tới.

Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào? ảnh 4

Sản phẩm trên sàn TEMU không có nguồn gốc xuất xứ và giá vô cùng rẻ.

Ông Nhân phân tích, cơ quan quản lý cũng cần đi vào trọng tâm về chính sách và bắt đầu từ giáo dục. Các trường đại học đào tạo rất nhiều về lý thuyết nhưng những lý thuyết này ra đời hàng chục năm về trước; và nay, không áp dụng được trong thời buổi khoa học công nghệ bùng nổ. Việc vận dụng kinh tế vào ứng dụng khoa học công nghệ đang là bài toán thách thức đối với các trường đại học.

Nhìn vào một số doanh nghiệp chuyên về sản xuất, nhân công sử dụng vào công nghệ cao rất ít, thầy thì nhiều mà thợ không bao nhiêu. Ngay như hoạt động vận chuyển là xe công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhiều sinh viên đến trường đại học, học 4 năm để lấy tấm bằng cử nhân hay kỹ sư rồi tốt nghiệp và chạy xe công nghệ?

Chúng ta có nhiều tập đoàn về taxi nhưng không cạnh tranh nổi làn sóng xe công nghệ tràn vào Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư vào hình thức trung gian vận chuyển bằng phần mềm thông qua mạng internet chỉ sử dụng công nghệ và thu phí 30% trên một chuyến xe. Để vận hành cho toàn hệ thống không tốn nhiều nhân lực, chỉ khoảng hơn 20 người nhưng con số lợi nhuận mang về lại rất lớn.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần lấy giáo dục con người và nền tảng công nghệ làm bàn đạp, phải tận dụng công nghệ, tập trung đào tạo nhân viên sử dụng công nghệ cho tốt để giảm thiểu khâu trung gian, giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Nếu vẫn áp dụng mô hình thủ công để làm thương mại thì sẽ mãi tụt hậu”.

TIN LIÊN QUAN
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?