Trong thời kỳ phát triển bùng nổ của công nghệ số, thương mại điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến những bước tăng trưởng vượt bậc. Từ các nền tảng siêu ứng dụng cho đến các doanh nghiệp startup nhỏ, tất cả đều tham gia vào “cuộc đua” ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về những xu hướng và cơ hội mới của ngành, phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Lợi thế nền tảng công nghệ “đã đến độ chín”
PV: Thưa ông, với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tốc độ phát triển cũng như sự thay đổi mà công nghệ tạo ra ở ngành này?
Ông Nguyễn Bình Minh: Trong những năm vừa qua, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng vào Top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, với nền tảng hạ tầng công nghệ tương đối đầy đủ. Hiện nay, các công nghệ mới như siêu ứng dụng trên mobile, xử lý dữ liệu lớn, các công nghệ liên quan đến hoạt động livestream bán hàng, hay sử dụng AI trong kinh doanh đang được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Có thể thấy, rất nhiều những công nghệ mới từ cuộc cách mạng lần thứ tư đang được ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, qua đó giúp cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước phát triển bùng nổ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới.
Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đạt trên 25% trong năm 2023. |
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là một trong những công nghệ đột phá trong thương mại điện tử. Theo ông, AI sẽ tác động như thế nào đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai gần?
- Sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong giai đoạn vừa qua đã góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực hẹp như marketing, phân tích hành vi khách hàng, hay tìm hiểu về các mô hình ngôn ngữ lớn để cải thiện khả năng giao tiếp với khách hàng thông qua các công cụ như chatbot.
Đến nay, việc triển khai và sử dụng AI ở Việt Nam đã trở nên tương đối phổ biến, đặc biệt là ở nhóm người lao động trẻ. Họ đều đã tìm hiểu và sử dụng AI trong một số công việc của mình, giúp cải thiện năng suất cũng như nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đều có định hướng triển khai công nghệ AI dành riêng cho doanh nghiệp mình với quy mô nền tảng rất lớn. Đây được xem là đòn bẩy để các công ty này phát triển đột phá trong lĩnh vực kinh doanh của mình, đặc biệt là trong các mảng ứng dụng thuộc về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công nghệ AI phụ thuộc rất nhiều vào lượng dữ liệu thu thập được. Chính vì vậy, các tính năng của công nghệ này chỉ thực sự được hoàn thiện khi có được lượng dữ liệu đủ lớn. Tôi tin rằng trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ AI chắc chắn sẽ tiếp tục được mở rộng, qua đó tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử có sự hỗ trợ của công nghệ trong thời gian tới.
So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang ở vị trí nào về việc ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử? Chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu gì so với các nước trong khu vực như Singapore hay Thái Lan?
- Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam vốn không được đánh giá là một quốc gia có lợi thế về triển khai các công nghệ mới, nguyên nhân một phần là do quá trình chuyển đổi số tương đối muộn so một số quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Tuy nhiên, với việc triển khai sau, Việt Nam đã ứng dụng kết hợp được những công nghệ mới xuất hiện trong những năm gần đây khi chúng bắt đầu “đạt đến độ chín”. Ví dụ như băng rộng di động 5G, mạng viễn thông này đã bắt đầu được phủ sóng tại Việt Nam, và phát huy hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như livestreams.
Trên thực tế, với các quốc gia đi trước, họ phần nào sẽ bị ảnh hưởng khi nền tảng công nghệ dần trở nên lỗi thời, đòi hỏi thời gian cho quá trình nâng cấp. Đây được xem là một vật cản đối với những nước này. Việc đến sau, tận dụng được lợi thế cạnh tranh và triển khai các công nghệ đã đạt đến độ chín khi đó lại trở thành lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong việc thiết lập nền tảng công nghệ phù hợp và hiện đại nhất, nhằm bứt tốc và đẩy nhanh phát triển với tốc độ cao. Điều đó đã được chứng minh khi lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam luôn luôn duy trì mức độ tăng trưởng cao trong khu vực cũng như trên thế giới.
Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đạt quy mô lên đến 25 tỷ USD. |
Thích ứng với các xu hướng mới
Thưa ông, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng như Shopee, TikTok và Facebook, tạo ra một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt khi triển khai, cũng như hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng này?
- Các nền tảng mới ra đời đã thu hút được số lượng người dùng rất là lớn, và tạo ra xu hướng kinh doanh mới mà các doanh nghiệp buộc phải bắt theo. Tuy nhiên, không phải nền tảng nào cũng có thể duy trì được sức hút trong một thời gian dài, do đó, việc chuyển đổi công nghệ liên tục là một trong những yêu cầu quan trọng đối với tất cả các công ty khởi nghiệp, cũng như các công ty nhỏ hoặc công ty siêu nhỏ. Trong khi nhiều quốc gia đang gặp phải thách thức trong việc thích ứng với các xu hướng công nghệ mới, đối với Việt Nam đây không phải là một trở ngại quá lớn. Tôi cho rằng đây là một điều kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thích nghi được.
Dù vậy, chúng ta vẫn là một trong những thị trường mới nổi. Việc đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hiện tượng về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phổ biến tràn lan trên môi trường Internet. Trong bối cảnh đó, các công nghệ đảm bảo an toàn, cũng như các công nghệ liên quan đến truy xuất nguồn gốc hiện đang được tích cực phát triển ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khác với một số quốc gia tiên tiến, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vi phạm về bản quyền, thương hiệu, ở Việt Nam, hiện tượng này vẫn còn xảy ra tương đối nhiều. Chính vì vậy, những công nghệ mới liên quan đến truy xuất nguồn gốc, hay định danh, thanh toán cần phải được triển khai tốt hơn nữa, qua đó giúp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tiếp tục phát triển lành mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Công nghệ có tác động rất lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. |
Theo ông, trong thời gian tới, công nghệ sẽ thay đổi ngành thương mại điện tử Việt Nam như thế nào? Liệu có những công nghệ mới nào sẽ xuất hiện và tạo ra những đột phá lớn?
- Trong khoảng thời gian tới đây, các công nghệ như AI sẽ tiếp tục được ứng dụng cho hoạt động nghiên cứu hành vi khách hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhiều khả năng cũng sẽ quan tâm hơn đến các công nghệ mới hỗ trợ triển khai công tác tổ chức, quản trị một cách bài bản, chuyên nghiệp. Nổi bật trong số đó, công nghệ Kinh doanh thông minh (Business intelligence - BI) sẽ được ứng dụng phổ biến hơn, cũng như các công nghệ mới liên quan đến truy xuất nguồn gốc, hay đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, công nghệ liên quan đến logistics cũng sẽ được đề cao, nhằm đảm bảo tốc độ giao nhận hàng, tạo tiền đề giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường toàn cầu nhanh hơn, đặc biệt là các nước trong khu vực. Công nghệ blockchain cũng sẽ tạo ra được những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển nền tảng của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục “tiến hóa” không ngừng, trong đó các công nghệ mới càng ra sau thì càng tân tiến hơn, đồng thời giúp cho người tiêu dùng có những trải nghiệm tốt hơn, và đảm bảo được tính tin cậy cao hơn.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!