Gần hai năm qua, mỗi sáng, mỗi tối, thậm chí là mỗi đêm, mỗi người dân Việt Nam đều được/phải tiếp nhận tới mức bội thực những tin tức, hình ảnh, video clip về Covid, liên quan đến Covid.
Và các tin về số người chết, số người nhiễm mới, số người phải điều trị bằng máy thở... sẽ được "ưu tiên" đặc biệt. Công chúng "thích" đọc dạng tin tức này và truyền thông cũng đang sẵn sàng "chiều" người đọc.
Một nhà báo kỳ cựu đã từng thốt lên, thói quen của công chúng đã thay đổi vì dịch bệnh. Thay vì đọc báo để tìm những tin tức tích cực thì giờ đây, đa số người dân lựa chọn các tin bài liên quan đến chết chóc, đến sự u ám, hoảng loạn, nước mắt, thương cảm để đọc và đọc rất nhiều.
Tính đến ngày 29/6 Việt Nam có tổng số 16.136 bệnh nhân nhiễm Covid, trong đó số ca điều trị khỏi: 6.519 ca, 620 ca âm tính. Ngoài ra, trong số những bệnh nhân đang dương tính, có khoảng 70% là những người không có triệu chứng, việc điều trị cho các bệnh nhân này tương đối nhẹ nhàng... Đó là những tin tức rất tích cực và rất đáng để đưa lên phần đầu tiên của bản tin.
Nhưng lâu nay tin tức về số người nhiễm mới, số người chết vẫn luôn là số 1, được truyền tải nhanh nhất, hầu hết giống nhau trên tất cả các mặt báo.
Tôi tự hỏi, nếu tin tức được nhân bản y như nhau, đều được đưa tin từ 1 nguồn, có nhất thiết tất cả các tòa soạn phải cùng nhau cắt cử nhân sự để phủ kín mặt báo của mình bằng những tin tức copy - paste đó hay không?
Bên cạnh tin trong nước, những tin liên quan đến vỡ trận, sóng thần, đổ vỡ hệ thống y tế, cạn kiệt ô xy, người chết la liệt, không còn nơi mai táng... ở nước ngoài cũng thường xuyên được lựa chọn để đăng tải rất nhanh, rất nhiều.
Tất nhiên đó chỉ là những lát cắt tiêu cực đáng chú ý nhất trong biển tin tức về dịch bệnh trên thế giới. Những lát cắt này do hấp dẫn, hút view nên dễ dàng được lựa chọn để đưa về cho công chúng Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các tin tươi sáng, các giải pháp ứng phó Covid mà các quốc gia đã áp dụng thành công, hiệu quả lại ít được đăng tải.
Ví dụ như giải pháp cách ly F1 tại nhà mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu nhưng giải pháp này không được báo chí phân tích, phản ánh kỹ càng để các cơ quan chức năng có thể lắng nghe tham khảo sớm nhất, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý.
Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm Covid nhưng tới bây giờ, giải pháp này mới bắt đầu được tính đến để giảm áp lực cho ngành y tế cũng như cho người dân.
Vì xu hướng tin tức có xu hướng bám theo các tin tiêu cực nên hiện nay, dù các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, Hungari... đã kiểm soát tốt Covid -19, bằng chứng rõ ràng nhất đó là tại giải vô địch bóng đá châu Âu, hàng loạt sân bóng đầy ắp khán giả, cuộc sống bình thường gần như đã quay trở lại các quốc gia này. Nhưng trên các mặt báo, việc điều chỉnh trong chiến lược đưa tin nhìn chung chưa được thực hiện. Vẫn là các tin tức tạo ra sự lo sợ, hoảng loạn chiếm ưu thế nhất.
Chúng ta đã được chứng kiến không ít lần người dân căng thẳng, sợ hãi vì thông tin dịch bệnh bị đẩy lên quá mức. Ví dụ như ở đợt lây nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, hàng ngàn người dân đã đổ xô đi vét sạch hàng hóa như mì tôm, nước mắm, giấy vệ sinh... tại các siêu thị, chợ búa.
Và ngay cả chính quyền một số tỉnh, thành cũng đã thể hiện sự lo lắng thái quá của mình trong phòng, chống Covid -19. Khi địa phương lân cận xuất hiện ca nhiễm mới, ngay lập tức lệnh ngăn sông, cấm chợ được ban hành. Những lệnh cấm vội vàng, cảm tính đó gây ra những hậu quả không nhỏ bởi việc giao thương, xuất bán nông sản không thể thực hiện.
Nhận định về vấn đề này, nhà báo Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng thư ký báo Thanh Niên cho rằng, truyền thông đang đóng một vai trò lớn khiến cho người dân đang ngày càng hoảng hốt, sợ hãi Covid - 19 tới mức cực đoạn.
Nhà báo Hoàng Hải Vân đưa ra các con số và lập luận, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam 2 năm qua, tính đến hôm nay làm chết 76 người. Thông tin chính thức từ cơ quan y tế cũng cho thấy hầu hết những người chết có dương tính với Covid-19 đều có những bệnh nền nan y khác. Cũng tính đến hôm nay, dù có 16.136 ca dương tính, 9.538 ca đang điều trị, nhưng đã có 6.519 ca đã chữa khỏi. Số người được chữa khỏi hàng ngày nhiều hơn là số người nhiễm mới.
Những con số này cho thấy việc nhiễm virus làm chết người là rất ít và người bị nhiễm Covid hoàn toàn có thể được các thầy thuốc Việt Nam chữa khỏi. Tuy nhiên hiện tại, người dân đang coi Covid như loại bênh nan y vô phương cứu chữa. Tổng cục Thống kê thì năm 2020 Việt Nam có tới 620.921 người chết. Nhưng con số này không hề tạo ra sự hoảng sợ hay thương tâm trên truyền thông. Chẳng ai sợ con số thống kê đó cả. Nhưng tất cả lại đang sợ hãi virus Corona một cách quá mức.
"Thống kê của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy tổng số người chết năm đại dịch 2020 không có mấy khác biệt so với tổng số người chết năm 2019. Trong khi bệnh ung thư vẫn là nguyên nhân khiến cho số người chết cao nhất trên phạm vi toàn cầu. Nhưng vì sao chết vì ung thư cao như vậy mà không khiến cho thế giới sợ hãi để tìm cách ngăn chặn? Nguyên nhân của sự sợ hãi này là do truyền thông." Nhà báo Hoàng Hải Vân đưa ra kết luận.
Cũng liên quan đến việc nhìn nhận về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid đang xảy ra trên địa bàn TP HCM, trả lời trên báo Thanh Niên mới đây, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa; còn những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.