UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 326/UBND-ĐT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ Km 62+500 đến Km 63+600 (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) đến cao độ dương 12,4 m như phương án đã đề xuất.
Theo UBND TP Hà Nội, với cao độ như trên, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm.
Phương án này sẽ mở rộng đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
Để bảo đảm an toàn thoát lũ khi hạ độ cao đoạn đê này, đề xuất của UBND Hà Nội lý giải hiện thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện, các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng.
TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông, tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê bờ hữu sông Hồng. Có thể xem xét hạ cao trình mặt đê để phục vụ giao thông cho TP.
Trước thông tin trên, GS-TSKH Trần Hữu Uyển, chuyên gia ngành nước của trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng nên tính toán kỹ trước khi hạ mặt bằng của đê Nghi Tàm.
“Hiện nay, chúng ta xây dựng nhiều cây cầu trên sông Hồng nên đã làm thay đổi dòng chảy của nó. Nếu hạ mặt đê sẽ ảnh hưởng đến vấn đề dòng chảy này”, GS-TSKH Trần Hữu Uyển khuyến cáo.
GS-TSKH Trần Hữu Uyển cũng cho biết mới đây, chúng ta đã có những bài học đắt giá về thiên tai tại miền Trung. “Bình thường không sao nhưng khi gặp sự cố thiên tai, các nhà máy thủy điện đầu nguồn buộc phải xả lũ thì rất nguy hiểm. Hàng loạt sự cố xả lũ miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong năm 2016 là ví dụ”, GS-TSKH Trần Hữu Uyển nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia giao thông, cũng cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng hệ thống đê sông Hồng và không nên hạ thấp bất kỳ đoạn đê nào trong hệ thống ấy, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội.
Việc hạ thấp mặt đê để mở rộng mặt đường trong điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu rất phức tạp như hiện nay là không nên và cần tìm một giải pháp khác phù hợp hơn.
“Đã là thời tiết thì sáng nắng chiều mưa, có nhiều hiện tượng 100 năm qua không diễn ra nhưng bây giờ lại diễn ra. Ví dụ như đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua tại ĐBSCL đã gây thiệt hại rất lớn đối với người dân. Không ai có thể nghĩ rằng ĐBSCL lại bị hạn hán nhưng điều đó đã xảy ra”, ông Thủy dẫn chứng.
Theo Người Lao Động