Theo UBND TP Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4 m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu.
Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
UBND TP Hà Nội cũng cho hay trong quá trình khảo sát và lập phương án thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra các giải pháp chống thấm, chống trượt, nhằm ổn định đê và tường chắn, đảm bảo khả năng chống lũ và an toàn tuyệt đối cho đê điều trong quá trình khai thác và sử dụng sau này.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn thoát lũ khi hạ độ cao đoạn đê này, đề xuất của UBND TP Hà Nội cho lý giải hiện thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện, các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng. Do vậy, UBND TP Hà Nội cho rằng tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho thành phố.
UBND TP Hà Nội cũng đảm bảo trong quá trình thực hiện hạ độ cao đoạn đê trên sẽ chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ NNPTNT để quản lý chặt chẽ chất lượng thi công các hạng mục liên quan đến đê điều đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Ngoài việc đề xuất hạ cốt đê, UBND TP Hà Nội còn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên.
UBND TP Hà Nội cho biết đây là công một trong những công trình giao thông cấp bách, trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc giao thông của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù từ tháng 4/2016. Vì vậy, UBND TP Hà Nội cần phải tập trung triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác sử dụng, dự kiến tiến độ thực hiện trong quý I/2017.
Theo PLO