Để làm rõ tình trạng hàng chục hộ dân phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) đồng loạt phản ánh hoạt động của các trạm trộn bê tông tươi nằm ngay bên trong khuôn viên đất của trường Đại học Thành Tây (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, chúng tôi đã liên hệ làm việc với TS. Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng trường này.
Tuy nhiên, thay vì thiện chí trong giao tiếp, vị hiệu trưởng này lại tỏ thái độ thách thức, hăm dọa phóng viên, thậm chí cả lãnh đạo tòa soạn. Để đe dọa báo chí, ông tiến sĩ -hiệu trưởng này không ngần ngại gọi đích danh một vị lãnh đạo cấp cao bằng "thằng" và chửi rủa phóng viên.
Một người có học hàm, học vị lại đứng đầu một trường đại học mà có cách ứng xử như vậy khiến ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa vô cùng bất ngờ và bức xúc.
Ông Lê Văn Cuông bất ngờ và bức xúc với cách ứng xử của vị hiệu trưởng Đinh Ngọc Hiện.
Ông cuông bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, văn hóa trong giao tiếp là rất quan trọng bởi vì nó thể hiện văn minh của một đất nước hoặc tư cách con người. Thầy giáo là đối tượng dạy người thì ngôn từ, cách giao tiếp càng phải đặt văn hóa lên hàng đầu.
Trong trường hợp này, hiệu trưởng một trường đại học sử dụng ngôn từ giao tiếp với phóng viên không được văn minh, lịch sự. Chúng ta cần xem xét tư cách của thầy giáo ấy”.
Trong giao tiếp bình thường, thì nguyên tắc cơ bản là phải tôn trọng người giao tiếp với mình. Dù họ có vấn đề gì chưa được hài lòng với bản thân, chúng ta cũng phải từ tốn, kiềm chế. “Dân gian ta vẫn thường có câu, trước khi phát ngôn phải uốn lưỡi hay “một lời nói một đọi máu”. Sở dĩ cần cân nhắc lời nói tới vậy là bởi vì lời nói phát ra không thể thu hồi lại được.
Ngôn ngữ trong giao tiếp lại càng quan trọng hơn với các thầy giáo, cô giáo, lãnh đạo nhà trường.
“Nóng giận là mất khôn. Có lẽ, thầy hiệu trưởng này cũng thuộc túyp người có tính cách không được mềm mại. Quá trình giao tiếp, thầy giáo ấy nói ra những từ không văn hóa. Đây là một khuyết điểm mà tôi nghĩ cần phải nghiêm túc khắc phục. Thầy giáo ấy có lòng tự trọng thì nên có cách tiếp cận nào đó để thanh minh cho sự nóng nảy của mình”, ông Cuông nói.
Cũng theo vị cựu đại biểu Quốc hội này, trong trường hợp thầy hiệu trưởng này vẫn khăng khăng cho rằng cách giao tiếp và xử sự của mình như thế là đúng, ngoài vấn đề báo chí phải lên tiếng, phê bình nhắc nhở, tỏ thái độ, nếu có chứng cứ cụ thể như ghi âm thì cũng nên có công văn kiến nghị với cấp quản lý để có biện pháp giáo dục và xử lý. Không để tình trạng gây dư luận không tốt với xã hội.
“Trước hết cũng để thầy hiệu trưởng đó tự giác nhận khuyết điểm, tự điều chỉnh với những người đã bị mình xúc phạm nhằm giải quyết êm ấm. Nếu vị thầy giáo đó không có thái độ cầu thị, không sửa chữa thì dư luận phải lên tiếng”, ông Cuông nhấn mạnh.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, đại biểu tỉnh Trà Vinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho rằng: “Làm gì cũng phải theo luật. Đặc biệt, người thầy giáo còn đòi hỏi tính cách sư phạm. Ứng xử không đúng, không hay làm hình ảnh nhà giáo không đẹp, cần phải phê phán.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá.
“Trong văn hóa ứng xử, chỉ cần người với người đã phải kiêm tốn, gặp nhau còn chào hỏi, người không quen biết còn phải lịch sự chứ đừng nói tới đó là giáo viên. Chúng ta đưa lên một tính cách, một hình ảnh như thế để cho xã hội bình luận xem tính cách của một nhà giáo như thế có xứng đáng không”, bà Khá đưa ra ý kiến.
Nguyễn Huệ