“Tính đến nay, công tác sửa chữa cầu Thăng Long cơ bản hoàn thiện những công việc cuối cùng. Dự kiến 7h sáng mai 7/1, cầu Thăng Long chính thức thông xe, các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ”, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết.
Trước đó, cầu Thăng Long được bắt đầu sửa chữa vào cuối tháng 7/2020. Tổng cục Đường bộ là đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư. Về phương án sữa chữa bề mặt cầu, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đây là vấn đề khá phức tạp mà nhiều năm qua vẫn chưa sửa chữa dứt điểm được. Suốt 2 năm qua, Tổng cục đã nghiên cứu phương án sửa chữa cầu Thăng Long trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng.
Quá trình sửa chữa, cầu Thăng Long được cào bóc sạch lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, sau đó, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu.
Dự kiến sáng 7/1, các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 80km/giờ, sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm TP.Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.
Cầu Thăng Long xây dựng hoàn thành vào năm 1985. Trong đó, cầu chính vượt sông dài 1,68km gồm 15 nhịp giàn thép. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới rộng 17m, cách tầng trên 14,1m.