Đây là sự kiện văn hóa quan trọng với những người yêu quý sách, công chúng, góp phần phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng; khuyến khích phong trào đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mỗi người và toàn xã hội. Sự kiện cũng kết nối bạn đọc, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho phát triển sách và văn hóa đọc.
Năm nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm “Sách - Cánh cửa mở ra thế giới”, trưng bày, giới thiệu 1.000 cuốn sách theo 4 nội dung: “Sách - Thay đổi tư duy”, “Sách - Mở rộng tầm nhìn”, “Sách - Khám phá thế giới” và “Từ trang sách tới thành công”. Thông qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò của sách đối với đời sống mỗi cá nhân và toàn xã hội. Triển lãm đồng thời giới thiệu các xuất bản phẩm của nhiều nhà xuất bản đến với công chúng, bạn đọc, xúc tiến hoạt động giao dịch bản quyền, mở rộng hợp tác quốc tế.
Phần giao lưu tác giả, tác phẩm giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm tiêu biểu, mang tính giáo dục, nâng cao hiểu biết, cung cấp các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm năm 2024 giới thiệu sách “Học, đọc sách và sáng tạo” của nhóm tác giả Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Ý, Trần Chí Đạt, Võ Thế Quân (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông); tác phẩm "Danh nhân - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành" của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Văn học phát hành.
Bạn đọc nhỏ tuổi còn được khám phá “Thư viện số” (Let’s Read) gồm trên 10.000 đầu sách với hơn 50 ngôn ngữ khác nhau. Hoạt động này khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận với loại hình thư viện số, nâng cao kiến thức và kỹ năng, trau dồi khả năng ngoại ngữ, nuôi dưỡng thói quen đọc sách mọi lúc mọi nơi. Cùng với đó còn có hoạt động “Gieo mầm tri thức” kết hợp giữa đọc sách với thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển tài năng nhằm cung cấp trải nghiệm vui vẻ bên cạnh khám phá điều thú vị từ sách. Cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề “Thế giới muôn màu qua trang sách” là sân chơi bổ ích, lành mạnh nhằm giúp các em thiếu nhi thể hiện năng khiếu hội họa, góp phần hình thành các giá trị chân, thiện, mỹ.
Đặc biệt “Trạm bảo tồn sách” giới thiệu đến công chúng hoạt động chuyên môn quan trọng của thư viện và trải nghiệm một số kỹ năng tu bổ, phục chế cơ bản nhất. Qua đó, công chúng hiểu về công tác giữ gìn, bảo quản tài liệu, để thêm trân trọng từng cuốn sách và những người làm công tác thư viện, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm độc đáo gắn liền với các hoạt động đọc, khuyến đọc.
Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng quyên góp, tiếp nhận sách tài trợ của các nhà xuất bản, nhà sách, tổ chức, cá nhân rồi trao tặng tới thư viện vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa. góp phần động viên, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.