Liên quan đến thông tin chi 31 tỷ đồng tiền biển cảnh báo nhưng lại tính vào giá điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có trao đổi với Zing.vn.
Bên hành lang Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, ông Thành cho hay: “Tôi đang yêu cầu Tổng công ty điện lực miền Bắc báo cáo về việc chi 31 tỷ đồng biển cảnh báo lại tính vào giá điện. Hiện chưa có báo cáo về việc này”.
Trước đó, như báo chí đưa tin, tổng giám đốc EVNNPC ký quyết định phê duyệt Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Mai là nhà thầu biển báo “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” với giá hơn 31 tỷ đồng. Theo đó, 155.000 biển được mua với giá 181.600 đồng mỗi chiếc. Theo kế hoạch thì toàn bộ giá trị mua sắm biển báo sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí giá thành tiền điện của EVNNPC năm 2016.
Từ chối bình luận thêm, ông Thành chỉ trả lời các câu hỏi về kế hoạch cổ phần hóa của tập đoàn.
Vị này cho hay năm 2017, tập đoàn sẽ thực hiện đánh giá giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty phát điện 1, Tổng công ty phát điện 2 đồng thời xây dựng phương án cổ phần hóa lần lượt trong năm 2017, 2018. Mỗi tổng công ty hiện có vốn điều lệ bình quân khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa 2 năm, việc tách ra khỏi hoặc thoái vốn khỏi toàn bộ tập đoàn sẽ được xem xét.
Với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính, trong hơn 3 năm qua, ông Thành cho hay đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đưa ra các phương án thoái vốn khỏi các danh mục công ty đã đầu tư như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và tài chính.
“Đến nay chúng tôi đã thoái toàn bộ vốn ở các lĩnh vực trên, trừ tài chính. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN phải thoái 15% khỏi lĩnh vực tài chính. Tập đoàn đã thoái 15% theo quy định, nhưng chúng tôi đang trình Bộ Công Thương cho phép thoái toàn bộ vốn còn lại ở công ty cổ phần tài chính Điện lực. Sau khi thoái hết vốn ở công ty này, tập đoàn chính thức thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành”, ông nói thêm.
Theo vị này, khó khăn lớn nhất trong việc cổ phần hóa là thời gian qua, thị trường chứng khoán không được như mong muốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, lượng vốn tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực không phải sản xuất, kinh doanh chính cũng không lớn, chỉ 1.995 tỷ đồng nên khó khăn không nhiều.
“Hiện khó khăn lớn nhất là chọn đơn vị tư vấn để xác định giá trị thương hiệu theo đúng quy định của Chính phủ. Chúng tôi kiến nghị sửa đổi Nghị định 59 và sửa một số quy định về việc lựa chọn đơn vị tư vấn”, ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông đề nghị trong ban chỉ đạo cổ phần hóa phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành phần tham gia ban chỉ đạo để rõ ràng phần việc.
“Kinh nghiệm là cổ phần từ trên xuống, tức cổ phần từ công ty mẹ xuống các công ty con thì tiến độ cổ phần hóa sẽ nhanh hơn. Nhưng phải tham gia đầu tư bằng cả khối óc và cả trái tim còn nếu Nhà đầu tư nước ngoài tham gia với mục đích khác thì phải cân nhắc. Bởi có những nhà đầu tư mua doanh nghiệp nhưng chủ yếu là mua các lợi thế của doanh nghiệp, sau đó đập đi làm lại doanh nghiệp theo hướng khác so với ban đầu”, ông khẳng định.
Phát biểu về việc cổ phần hóa ở EVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Tải điện Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ còn tất cả các nguồn phát điện phải cổ phần hóa trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình, Lai Châu. Nên để cho tư nhân xây dựng nhà máy mới rồi mua theo giá thị trường. Đừng để Nhà nước phải vay vốn quá nhiều đẩy nợ công tăng cao”.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thẩm định lại giá trị của các Tổng công ty thuộc EVN đồng thời đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa các công ty điện lực, hướng tới thị trường điện lực cạnh tranh.