Vào những năm hai mươi của thế kỷ trước, sau khi khảo sát nhiều vùng của Đông dương, đến Tây nguyên, các nhà nghiên cứu người Pháp đã gọi nơi đây là "miền đất của các thác nước ".
Tạo hóa đã ban cho nơi này những thác nước hùng vĩ với những cái tên đẫm hơi thở Tây nguyên: Dambri, Bobla, Gougha, Queyon... Trong đó, Pongour là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất, được người Pháp tôn vinh là "ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương". Còn vua Bảo Đại gọi Pongour là “Nam thiên đệ nhất thác”.
Thác Pongour có nhiều tầng |
Thác Pongour thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 40km. Từ đường quốc lộ 20, sau khi rẽ trái chừng 7 km, trước mắt chúng tôi hiện ra một bức tranh phong cảnh đẹp như thiên đường. Có lẽ vì vậy mà thác Pongour còn được gọi là thác Thiên Thai. Chúng tôi đi trên con đường nhỏ đến thác dưới những cụm cây dại gắn kết nhau thành những mái vòm tự nhiên, mát rượi. Dọc đường, đủ lòai hoa dại rực rỡ khoe sắc, đùa nghịch với những đốm nắng. Nhiều nhất là hoa sao nhái, vàng rực hai bên lối đi. Hoa bằng lăng tím ngát. Hoa điệp đỏ chói, ẩn hiện trong những quầng lá xanh ngắt …Những căn nhà sàn bằng gỗ bình dị … Tất cả đều tóat lên vẻ hoang sơ, đậm bản sắc Tây Nguyên, hết sức độc đáo và thú vị.
Pongour theo tiếng K’ho, nghĩa là Sừng tê giác. Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì thác Pongour gắn liền với câu chuyện về nàng Ka Nai - một nữ tù trưởng xinh đẹp đã có công xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng của đồng bào K’ho. Chuyện kể rằng, nàng Ka Nai có bốn con tê giác đã giúp nàng ủi đất, làm nương rẫy, gieo nên những nương lúa hạt bắp cho người K’ho có cái ăn no bụng. Pongour là dấu vết các con tê giác cắm sừng xuống đất.
Khi đến chân thác, tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan hùng vĩ này của thiên nhiên, chúng tôi nhận ra, người xưa đặt tên Pongour thật chính xác và danh “Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương" quả không ngoa. Thác Pongour cao đến 40m. Mặt thác trải rộng hơn 100 m, uốn cong hình cánh cung. Bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Thiên nhiên đã hết sức kỳ công khi đẽo gọt núi đá thành 7 tầng ( vì thế, còn có tên thác 7 tầng), như những bậc thang rộng rãi và bằng phẳng. Nước từ trên cao ào ào đổ xuống, băng qua những tầng đá, tạo thành những thảm nước trắng xóa như dát bạc. Những giọt nước khi chạm vào các vách đá, bắn tung tóe thành những đám mưa bụi lấp lánh, bay xa, phả vào du khách những luồng hơi mát rượi.
Sau khi mơn man các bờ đá, giữa thảm rừng nguyên sinh bạt ngàn có diện tích khoảng 2,5ha, với đủ loại thực vật đa dạng, phong phú, dòng nước hiền hòa trôi xuôi về phía hạ lưu, rồi bất chợt trải mình giữa hai bờ đá dựng, thành mặt hồ thênh thang cho cây rừng và vách đá soi bóng lung linh.
Nắm tay nhau leo lên sườn núi hay cùng đi vào những cánh rừng già, đến thăm những ngôi nhà gỗ đơn sơ của người Lạch ẩn mình sau nương ngô xanh mát…mới hiểu hết ý nghĩa của danh hiệu Nam Thiên Đệ nhất thác.