Cụ thể, 16h chiều nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ sẽ chủ trì họp báo công bố các bộ sách được duyệt sau thời gian tiến hành rà soát các điều kiện mang tính pháp lý liên quan đến nhiều luật (như Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ...) và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cuộc họp cũng sẽ có sự tham gia của các hội đồng thẩm định các môn học.
Bộ GD-ĐT cho biết đã tiếp nhận các bản mẫu các bộ sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Qua quá trình rà soát, kiểm tra và đối chiếu với quy định tại Thông tư số 33, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo.
Song, các Hội đồng đã tiến hành thẩm định qua 2 vòng và đạt được kết quả sơ bộ: Có 38 bản thảo SGK ở tất cả 9 môn học được đánh giá "Đạt" và đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT xem xét phê duyệt.
Trong số bị loại có 3 bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gồm: Toán, Tiếng Việt và Đạo đức.
Trong tháng 11, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức giới thiệu ở cả 3 miền các bản mẫu sách giáo khoa do đơn vị mình biên soạn theo chương trình phổ thông mới. 4 bộ bản mẫu sách giáo khoa của nhà xuất bản này gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Một diễn biến khác, mới đây, liên quan đến ý kiến về kết quả thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của nhóm tác giả, ý kiến của các chuyên gia và dư luận về "Chương trình thực nghiệm".
Cụ thể, Bộ GD-ĐT phải sẽ rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng về những sách giáo khoa nào sẽ được đưa vào sử dụng cho chương trình phổ thông mới được công bố vào chiều hôm nay.
Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng sách.
Bộ GD-ĐT cũng không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa rồi sử dụng trong toàn tỉnh mà hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.
Trong quá trình được sử dụng, thử nghiệm và tổ chức dạy học, giáo viên sẽ hiểu rõ cuốn sách nào là phù hợp. Quy định của Bộ là danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có thể được điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện, từ ý kiến của giáo viên trong các nhà trường, UBND các tỉnh/thành phố có thể thành lập Hội đồng để xem xét, cập nhật, bổ sung.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, dự kiến các sách giáo khoa mới sẽ có giá cao hơn so với sách hiện hành.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, khi về mặt chất lượng, chủng loại, giấy, kỹ thuật in được nâng cấp, chi phí nguyên liệu tăng thì giá thành cũng tăng.
Theo ông Hải, sách giáo khoa hiện hành đang độc quyền, chịu sự quản lý và điều chỉnh giá của nhiều ban ngành, giá thành vì thế rẻ hơn nhiều so với sách khác.
"Tuy nhiên, khi chương trình phổ thông cho phép lưu hành nhiều bộ sách giáo khoa trong khi số lượng học sinh chỉ từng đó, số lượng bản bán ra của mỗi bộ sách sẽ nhỏ lại, nên các nhà xuất bản sẽ phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, nhằm tái tạo lại sức lao động của tác giả, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, giá sách mới sẽ không thể rẻ như sách hiện hành", ông Hải nói.