Bốn bộ sách, bốn hướng tiếp cận?
Theo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 bản mẫu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lọt qua hai vòng thẩm định gồm bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống;” bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo;” bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực”; bộ sách giáo khoa “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.”
Ông Thái cho biết, những bản mẫu sách giáo khoa này đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hướng giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết bốn bộ sách này đáp ứng điều kiện giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau. Mục tiêu của các bộ sách là giúp người học tiếp cận kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Các bộ sách không chỉ đáp ứng được việc kết nối giữa sách giáo khoa từng môn ở các lớp, các cấp học khác nhau, mà còn đòi hỏi sự kết nối giữa các môn học khác nhau trong cùng một bộ sách.
Cụ thể, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được coi như bộ sách nền, chủ lực đảm bảo chất lượng an toàn khi triển khai sách giáo khoa trong toàn hệ thống. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hy vọng bộ sách này có độ phủ rộng hơn các bộ sách khác, đáp ứng nhu cầu nhiều vùng miền, địa phương.
Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục,” các tác giả muốn định hướng bình đẳng các học sinh có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn tri thức thông qua các nguồn học liệu mở; định hướng tự chủ trong học tập, tự do sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề.
Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực,” các tác giả muốn nhấn mạnh tinh thần lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, đề cao học tích cực, học hợp tác, học để tích hợp vào cuộc sống. Bộ sách này chú trọng phát triển năng lực học và năng lực hợp tác của học sinh.
Bộ sách “Chân trời sáng tạo” giúp học sinh định hướng tư duy, tự khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân.
Ngoài sách giáo khoa giấy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phát triển đồng bộ sách giáo khoa điện tử, tư liệu, tài nguyên số để hỗ trợ giảng dạy dành cho giáo viên.
Cần sớm công bố chính thức sách qua thẩm định
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 5 bộ mẫu sách giáo khoa đã qua hai vòng thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố. Ngoài 4 bộ mẫu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, việc công bố này sẽ được thực hiện trong tháng 10. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bất ngờ thông báo lùi thời gian công bố sang tháng 11. Vì vậy, việc nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bất ngờ công bố các bộ sách đã qua hai vòng thẩm định thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận.
Ông Trần Tuấn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Quyết Tiến (tỉnh Thái Bình) cho biết sách giáo khoa là tài liệu quan trọng trong quá trình dạy và học. Dù theo chương trình mới, khung chương trình là cốt lõi, sách giáo khoa chỉ là tài liệu giảng dạy nhưng đây vẫn sẽ là cơ sở để giáo viên có thể hình dung chương trình mới rõ ràng hơn. “Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố chính thức các bản sách giáo khoa đạt thẩm định để giáo viên nghiên cứu,” thầy Hùng chia sẻ.
Sớm công bố sách giáo khoa cũng là đề nghị của lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An... “Hiện các nhà trường, giáo viên đang rất sốt ruột chờ sách mới,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành nói.
Nhìn ở góc độc khác, phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố các bản mẫu sách qua thẩm định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố chính thức các mẫu sách đạt thẩm định sẽ giúp việc cạnh tranh thị trường sách giáo khoa công bằng hơn với bộ sách còn lại của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.