Chính sách bảo vệ trẻ em: Cực đoan hay cần thiết?

[Ngày Nay] - Một chiều mùa hè năm 2014, cặp vợ chồng Cindy và Fred ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ không kịp về nhà đúng giờ để mở cửa cho cậu con trai 11 tuổi. Không có chìa khóa vào nhà, cậu bé đã chơi bóng rổ trong vườn trong khoảng 90 phút. Một người hàng xóm quyết định báo cảnh sát. Ngay khi về tới nhà, hai bố mẹ bị bắt tạm giam vì tội lơ là con cái.

Nhưng ngủ một đêm trong trại tạm giam cũng không tồi tệ bằng những gì diễn ra sau đó. Cậu bé 11 tuổi và em trai 4 tuổi sau đó đã bị cách ly khỏi gia đình trong suốt một tháng ròng. Chúng chỉ được về với bố Fred và mẹ Cindy sau khi thỉnh cầu thẩm phán tại tòa án.

Chính sách bảo vệ trẻ em: Cực đoan hay cần thiết? ảnh 1

Giáo sư Christopher Ratte đã mất quyền nuôi con vì một lý do tưởng chừng rất khó tin.

Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ Luật bảo vệ trẻ em của tiểu bang Florida, trong đó có điều khoản: “Người nào cố ý hoặc do sơ suất đáng khiển trách đã lơ là trẻ em nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc thương tật vĩnh viễn thì phạm tội ở cấp độ ba”.

Cảnh sát địa phương xác định do không thể vào trong nhà, cậu bé 11 tuổi đã trong tình trạng nguy hiểm do không có thực phẩm, nước uống, chỗ ở và nhà vệ sinh. Cơ quan Bảo vệ Trẻ em tiểu bang nhận định, đây là lý do để họ tạm thời tước quyền nuôi con của cặp vợ chồng và đưa hai đứa trẻ tới một gia đình được chỉ định làm cha mẹ nuôi tạm thời.

Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn trường hợp cha mẹ bị cơ quan chính quyền tước quyền nuôi con xảy ra hàng năm tại Mỹ.

Đạo luật Phòng chống và Xử lý Tình trạng Bạo hành Trẻ em (CAPTA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1974, tiếp theo đó là sự ra đời của các cơ quan Bảo vệ Trẻ em (CPS). CAPTA quy định mọi tiểu bang đều phải thiết lập quy trình điều tra và giải quyết các vụ việc bị tình nghi có liên quan đến ngược đãi trẻ em.

Chính sách bảo vệ trẻ em: Cực đoan hay cần thiết? ảnh 2

Năm 1997, Đạo luật Nhận con nuôi và An toàn Gia đình (ASFA) được thông qua, đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho trẻ em lên trên nguyên tắc đoàn tụ gia đình. Đạo luật quy định nếu trong 22 tháng gần nhất, một đứa trẻ được CPS cách ly khỏi gia đình trong 15 tháng trở lên, cha mẹ sẽ mất quyền nuôi con vĩnh viễn.

Các đạo luật quy định, khi một cá nhân biết hoặc có những nghi vấn hợp lý về việc một đứa trẻ đang bị lơ là hoặc ngược đãi, người này có trách nhiệm phải thông báo với cơ quan chức năng. Khi nhận được thông báo, CPS có trách nhiệm phải điều tra, xác thực thông tin và cách ly đứa trẻ khỏi gia đình nếu có mối nguy hiểm hiện hữu. Để chăm sóc cho những đứa trẻ này, một hệ thống nuôi dưỡng tạm thời được thiết lập bao gồm các trung tâm nuôi dưỡng tập trung, các nhóm trẻ gia đình, họ hàng người thân hoặc phổ biến hơn cả là những cha mẹ nuôi tạm thời không thân thích. Cha mẹ nuôi tạm thời là những cá nhân được chính quyền chọn lựa, chứng nhận và cung cấp tài chính để đảm nhận công việc này. Quyền quyết định về đứa trẻ không còn nằm trong tay cha mẹ ruột mà nằm trong tay chính quyền.

Chính sách bảo vệ trẻ em: Cực đoan hay cần thiết? ảnh 3

Theo số liệu năm 2010, có 408.425 trẻ em được nuôi dưỡng tạm thời trên toàn nước Mỹ, trong đó có 36% là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Có 48% được giao cho người không thân thích, 26% được giao cho họ hàng, 9% ở trong các trung tâm nuôi dạy, 6% trong các nhóm trẻ gia đình, 5% tiếp tục sống trong gia đình dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, 4% giao cho các gia đình có nhu cầu nhận con nuôi, 2% bỏ trốn và trở thành trẻ lang thang, và 1% được sống độc lập có giám sát. Thời gian trung bình một đứa trẻ được cách ly khỏi gia đình là 13,5 tháng, trong đó có gần 20% được cách ly từ 3 năm trở lên.

Phân tích tỉ lệ trẻ em bị cơ quan Bảo vệ Trẻ em cách ly khỏi bố mẹ cho thấy, người da màu thu nhập thấp là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này. Trong khi trẻ em Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 15% tổng số trẻ em ở nước Mỹ, chúng chiếm tới 45% số trẻ em đang được nuôi dưỡng tạm thời. Nguy cơ một đứa trẻ da màu sống trong gia đình nghèo bị cách ly khỏi bố mẹ cao gấp 4 lần trẻ da trắng.

Mercedes, một người mẹ trẻ da đen sống ở thành phố New York đã mất quyền nuôi dưỡng cả 3 đứa con của mình. Năm 2009, khi con gái Leslie được 11 tháng tuổi và con trai Camron lên 2, Mercedes đã mắc một sơ suất khiến cuộc đời của cô và các con thay đổi mãi mãi. Mercedes bật vòi lấy nước vào bồn để chuẩn bị tắm cho các con, trong khi tranh thủ cắm máy uốn tóc để làm đẹp. Khi mẹ quay vào phòng ngủ lấy khăn tắm, cô bé Leslie hiếu động đã với chiếc máy uốn tóc, khiến nó rơi vào chân mình và tạo ra một vết bỏng nhỏ.

Lo sợ sẽ có thể bị báo cáo lên chính quyền do lơ là khi trông con, Mercedes không dám đưa Leslie tới bệnh viện mà tự chữa trị cho bé. Đây chính là tình tiết tăng nặng khi cơ quan bảo vệ trẻ em phát hiện ra câu chuyện. CPS quyết định cách ly cả hai bé Leslie và Camron ra khỏi mẹ.

Chính sách bảo vệ trẻ em: Cực đoan hay cần thiết? ảnh 4

Là một người phụ nữ lớn lên trong nghèo đói và nếm trải cảnh bạo hành gia đình từ nhỏ, Mercedes có những thiệt thòi và thiếu sót khi so với những bà mẹ khác. Sang chấn tinh thần khiến cô không kiểm soát tốt cảm xúc của mình, không chăm lo nhà cửa chỉn chu và nhiều lúc buông xuôi, mất phương hướng trong cuộc sống. Mercedes cũng có thói quen sử dụng cần sa. Những lý do này khiến cho việc giành lại quyền nuôi con từ tay chính quyền trở nên càng khó khăn.

Trong thời gian Leslie và Camron được giao cho mẹ nuôi tạm thời, Mercedes sinh đứa con thứ ba - một bé gái tên là Tiana. Cuộc chiến giành lại quyền nuôi Leslie và Camron giờ đây trở thành cuộc chiến giành lại cả ba đứa trẻ, khi cơ quan bảo vệ trẻ em cho rằng cô chưa đáp ứng được những thách thức mà họ đặt ra để được nuôi con.

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi người phụ nữ được chỉ định làm mẹ nuôi tạm thời muốn nhận nuôi vĩnh viễn những đứa trẻ và tìm cách chia tách chúng khỏi mẹ ruột. Những khiếu nại liên tục được gửi tới CPS, với những thông tin mà Mercedes khẳng định là bịa đặt về việc cô ngược đãi chúng những khi gặp mặt.

Thời gian trôi qua, Mercedes mất dần niềm tin vào việc cô có thể giành lại được những đứa con của mình. Hy vọng cuối cùng của cô là khi bọn trẻ trở thành những người lớn trưởng thành, chúng sẽ tìm về với mẹ, dù rằng sẽ mất rất nhiều năm nữa.      

Những người da màu sống trong nghèo đói như Mercedes là đối tượng dễ bị CPS quan tâm theo dõi nhất, nhưng người trung lưu da trắng cũng không phải ngoại lệ. Hồi năm 2008, một giáo sư khảo cổ học của trường Đại học Michigan đã mất quyền nuôi con vì một lý do tưởng chừng rất khó tin. Giáo sư Christopher Ratte đã đưa con trai Leo 7 tuổi đi xem một trận đấu bóng bầu dục. Khi mua nước chanh cho con trai, ông đã mua nhầm một lon đồ uống có cồn mang tên Hard Lemonade (Nước chanh cứng). Một người bảo vệ ở sân bóng đã báo với cảnh sát khi nhìn thấy cậu bé uống lon đồ uống này. Ngay lập tức, cơ quan bảo vệ trẻ em địa phương quyết định cách ly Leo khỏi bố và chỉ đồng ý giao cậu bé lại cho mẹ khi ông Christopher chấp nhận sẽ tạm thời ra khỏi ngôi nhà của gia đình. Vụ việc chỉ kết thúc tại tòa án, sau khi gia đình Ratte thưa kiện.   

Không chỉ ở Mỹ, nhiều nước phát triển khác cũng có những định chế bảo vệ trẻ em nghiêm khắc và chặt chẽ. Hồi tháng Tư năm nay tại nước Anh, cặp bố mẹ có con khi cao tuổi nhất ở nước này đã bị tước quyền nuôi con khi đứa trẻ chỉ mới lên một tuổi. Người chồng 65 tuổi và người vợ 63 tuổi sống ở miền bắc nước Anh đã bỏ ra 100.000 bảng Anh để sinh con theo phương pháp mang thai hộ. Tuy nhiên, cơ quan bảo vệ trẻ em của nước này đã chú ý tới cặp vợ chồng và nhận định rằng đứa trẻ có thể không được chăm sóc đầy đủ, một phần nguyên nhân là do bố mẹ đã quá lớn tuổi. Năm 2017, cơ quan này đã tiếp cận cặp vợ chồng và yêu cầu họ phải cải thiện cách chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ. Khi nhận thấy cặp bố mẹ lớn tuổi chưa đáp ứng được những yêu cầu này sau thời gian thử thách, họ quyết định cách ly em bé khỏi gia đình. Sau những phiên tòa để giành lại quyền nuôi con từ tay chính quyền, cặp đôi vẫn chưa được nhận lại con mà chỉ được thăm nom trong sự giám sát chặt chẽ.

Trong rất nhiều trường hợp, biện pháp cách ly trẻ em tình nghi bị ngược đãi ra khỏi gia đình và xa hơn là tước quyền nuôi con vĩnh viễn như đang được áp dụng ở Mỹ, Anh và nhiều nước khác có phần thái quá và vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận. Các cơ quan bảo vệ trẻ em đã trở thành bị đơn trong nhiều vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần mà hành động của họ gây ra cho các gia đình. Dư luận cũng đánh động về nguy cơ sang chấn tinh thần, ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của những đứa trẻ bị tách khỏi bố mẹ.

Tuy nhiên, theo lập luận của các chính quyền tiểu bang, việc bảo vệ sự an toàn trẻ em cần phải tuyệt đối, không có chỗ cho bất cứ sơ hở nào. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio khẳng định: “Sứ mệnh của chúng tôi là bảo vệ mọi đứa trẻ. Không giống như trong những lĩnh vực quản trị khác - khi chúng ta không cần đặt ra tiêu chuẩn tuyệt đối, thì trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, chúng ta phải đặt ra tiêu chuẩn tuyệt đối. Chúng ta phải đón đầu, can thiệp và chấm dứt mọi hành vi gây hại cho trẻ”.

Dù có thể cực đoan và thái quá, nhưng chính sách bảo vệ trẻ em mà các cơ quan bảo vệ trẻ em đang áp dụng như tại Mỹ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng cha mẹ không có quyền gì đối với con cái của mình nếu không bảo vệ, chăm sóc chúng một cách chu đáo. Tòa án sẽ cân nhắc nguy cơ nào lớn hơn - cách ly đứa trẻ khỏi gia đình hoặc để chúng sống cùng cha mẹ nhưng điều kiện chăm sóc, bảo vệ có thể không được đảm bảo - để đưa ra quyết định pháp lý về việc cha mẹ có còn đủ tư cách làm cha mẹ đối với đứa con do chính mình sinh ra hay không. Làm cha mẹ đúng nghĩa là một đặc ân chứ không phải một quyền đương nhiên của đấng sinh thành.

Phân tích tỉ lệ trẻ em bị cơ quan bảo vệ trẻ em cách ly khỏi bố mẹ cho thấy, người da màu thu nhập thấp là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này. Trong khi trẻ em Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 15% tổng số trẻ em ở nước Mỹ, chúng chiếm tới 45% số trẻ em đang được nuôi dưỡng tạm thời. Nguy cơ một đứa trẻ da màu sống trong gia đình nghèo bị cách ly khỏi bố mẹ cao gấp 4 lần trẻ da trắng.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.