Chính sách hỗ trợ kinh tế phải bảo đảm an toàn tài chính quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5/12, Phiên tọa đàm cấp cao đã diễn ra với sự tham dự của nhiều diễn giả trong và nước ngoài, nhằm thảo luận sâu hơn những giải pháp thiết thực, giúp Việt Nam sớm khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Chính sách hỗ trợ kinh tế phải bảo đảm an toàn tài chính quốc gia

Tránh lạm dụng, trục lợi chính sách

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022 đã đề cập đến việc phải kịp thời có sự điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả để phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chính sách này, theo đó yêu cầu Chính phủ ngay trong năm 2021 phải xây dựng và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hết sức quan tâm, chủ động từ sớm, từ xa, giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ chủ động có một số cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế để bổ sung các cơ sở thực tiễn, khoa học đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam thời gian qua nhằm đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp.

Từ quá trình chuẩn bị cộng với gợi mở của các chuyên gia tại Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khái quát một số định hướng, nguyên tắc lớn. Đó là bám sát vào quy định của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Kết luận số 20-KL/TW và hai Nghị quyết của Quốc hội khóa XV: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 2.

Bên cạnh đó, phải tập trung cả về cung và cầu. Về phía cung, phải tập trung hỗ trợ, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động; về phía cầu, phải kích cầu cả thị trường và đầu tư.

Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý đến việc phối hợp một cách linh hoạt, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, như chính sách đầu tư, thương mại, dịch vụ, bám sát đúng tinh thần Kết luận số 20-KL/TW. "Cần có sự phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô này thì mới sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Ngoài ra, các chính sách phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm gói kích thích này phải khả thi và thực thi nhanh, tập trung vào ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, khả năng hấp thụ nhanh, có tính lan tỏa rộng để kích thích nền kinh tế phục hồi phát triển và phải nhanh ngay trong năm 2022 - 2023.

Đặc biệt, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dù chính sách hỗ trợ thế nào vẫn phải bảo đảm dài hạn và an toàn tài chính quốc gia. Chính sách đưa ra phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, có thể chấp nhận trong giai đoạn ngắn hạn, có thể các chỉ tiêu thay đổi, nhưng về dài hạn, phải bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia và phải cân đối với khả năng vay, trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các chính sách huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lạm dụng, trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, tham nhũng.

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp

Đề cập đến gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước tiên cần làm rõ nền kinh tế hấp thụ như thế nào?

Theo ông Cường, có hai “chỉ báo” quan trọng là tốc độ giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đến nay, giải ngân đầu tư công chưa đạt 70% và khó về đích khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021. Về tín dụng, tốc độ tăng trưởng đến nay mới đạt trên 8%, thấp hơn so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế. Như vậy, có biểu hiện chuyển vốn vào các hoạt động kinh tế còn chậm.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường quan tâm hơn đến việc nguồn vốn có thực sự chuyển vào sản xuất không? “Trong nền kinh tế, hiệu quả đầu tư tốt là khi bỏ ra một đồng thì giá trị tạo ra hơn 1 đồng, nhưng hiện tiền vốn chúng ta bỏ ra 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ có 70 - 80 đồng”, ông Cường phân tích. Nguyên nhân một phần thất thoát đầu tư vào tiêu dùng, đẩy giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng. Phần nữa là tiền đó đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên.

Dựa trên các phân tích của mình, ông Cường chỉ rõ, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có vấn đề. Song, không phải vì thế mà không tăng nguồn đầu tư.

Để tăng nguồn đầu tư, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường cho rằng, phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đồng thời kiểm soát dòng tiền đó chảy vào khu vực mong muốn đầu tư.

Để tăng hấp thụ vốn tín dụng, cùng với việc tiếp tục các giải pháp hiện hành, ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển sang đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là việc cho doanh nghiệp vay vốn không phải chỉ dựa vào tài sản bảo đảm, mà cần xem xét nguồn tiền đó sẽ được doanh nghiệp sử dụng vào việc gì.

Về giải ngân đầu tư công, cần có giải pháp đặc biệt. Đó là đặt hàng cho tư nhân thực hiện giải ngân chứ không phải chỉ dựa vào dự án đầu tư của các cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, ông Cường nhận định, hiện đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nếu để dòng tiền đầu tư vào các công trình này chính là cơ hội cho đầu tư phát triển thay vì tạo ra bong bóng. “Hiện, chúng ta mới chỉ hướng tới phục hồi còn phát triển bền vững thì chưa nói nhiều. Giờ là lúc Chính phủ cần dùng tiền vốn đặt hàng cho các ngành sản xuất trụ cột như phát triển nhà ở, đường sắt, công nghiệp dịch vụ để phát triển kinh tế biển…”, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đề xuất Chương trình hỗ trợ tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” cho các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chương trình giám sát được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, với sự tham gia của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội giám sát thực thi gói chính sách kích cầu nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.

Chương trình này sẽ bao gồm giới thiệu mô hình mới về giám sát thực thi chính sách toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách, thực hiện đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp chuyên gia tư vấn và thực hiện tham vấn công - tư định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc triển khai gói cứu trợ phục hồi kinh tế.

Cùng với đề xuất trên, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau khi hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

Trong tham luận gửi tới tọa đàm, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị ưu tiên dành vaccine cho các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, địa phương sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng xuất nhập khẩu trọng điểm của nền kinh tế, địa phương có điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Về giải pháp phát triển bền vững, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi tới 8 vấn đề quan tâm, liên quan đến chính sách phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chính sách thu hút nhân tài...

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.