Hàng chục triệu đồng mỗi kỳ
Không ít các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, cùng với thông tin về ngành đào tạo, thí sinh nên tham khảo cả thông tin về mức học phí theo từng năm để lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình. Nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh quên điều này và thực sự “ngợp” trước số tiền mà con mình phải chi trả trong từng học kỳ hay cho từng tín chỉ môn học.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã thông báo chính thức về mức học phí năm 2018-2019.Trong đó, các trường khối sư phạm đều được miễn học phí. Các khối đào tạo khác “nhảy múa” theo những con số khác nhau. Mỗi trường đưa ra mức phí khác nhau, có khi chênh nhau hàng chục triệu đồng.
ĐH Bách Khoa Hà Nội: Đào tạo đại trà 15-20 triệu/năm học, đào tạo tiên tiến có mức phí gấp 1,3-1,5 lần đại trà. Riêng chương trình đào tạo Quốc tế có mức phí cao, khoảng 40-50 triệu/năm. ĐH Kinh tế Quốc dân có mức phí cho chương trình đào tạo đại trà là 15,5-18,5 triệu/năm… Những ngành có mức học phí cao nhất trên toàn quốc chủ yếu thuộc khối ngành kỹ thuật và y, dược, không kể những trường đại học quốc tế có mức phí lúc nào cũng “khủng” như Đại học RMIT, ĐH Quốc tế TP.HCM, ĐH Việt Pháp… đưa ra mức học phí từ 25-100 triệu đồng/học kỳ.
Trong khi đó, nhiều trường có mức phí “dễ thở” hơn dù chưa hẳn là rẻ: ĐH Luật Hà Nội 8,1 triệu/năm, ĐH Xây dựng 9,6 triệu/năm. Học viện Tài Chính: đại trà 9,4 triệu/năm, hệ chất lượng cao 39,6 triệu/năm...
Riêng về mức phí học tín chỉ, tại Đại học Thủy Lợi, khối kỹ thuật đưa ra mức phí 280.000đ/ tín chỉ, thời gian đào tạo 4,5 năm, trong khi khối kinh tế là 230.000 đ/tín chỉ, thời gian đào tạo 4 năm. Đại học Hà Nội đưa ra mức phí 480-650 nghìn đồng/tín chỉ. Học viện Báo chí và tuyên truyền: từ 249-392 nghìn đồng/tín chỉ đối với hệ chuẩn, khoảng 800 nghìn-1,2 triệu đồng/tín chỉ đối với chương trình chất lượng cao…
Có thể thấy, mức tăng học phí của các trường đều dựa theo quy định trong Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Năm nay, mức học phí đào tạo đại học hệ đại trà của các trường trung bình từ 13 triệu – 20 triệu đồng mỗi năm tùy theo ngành đào tạo, thấp hơn hoặc bằng mức học phí bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt.
Tăng mãi vẫn chưa đủ bù chi phí đào tạo?
Dù tăng học phí theo lộ trình, nhưng theo đại diện nhiều trường, mức học phí này vẫn chưa đủ bù chi phí đào tạo.
Theo ông Kiều Xuân Thực - ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường được thực hiện tự chủ từ tháng 7/2017, trong năm học 2018-2019, mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy tăng 2 triệu đồng so với năm ngoái. “Năm nay, mức học phí trung bình của các ngành là 14,5 triệu đồng mỗi năm. Học phí chương trình chất lượng cao bằng 1,5 lần mức học phí của chương trình đại trà tương ứng. Với mức học phí này cũng chưa bù đắp được 100% chi phí đào tạo”.
Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ với báo chí: “Học phí thành bao nhiêu là do thí sinh đăng ký học tập, đăng ký nhiều, học phí sẽ nhiều, đăng ký ít, học phí ít. Có những ngành chưa thu hút người học, ngoài việc số lượng vào ít, điểm chuẩn thấp hơn ngành khác, nhà trường cũng đưa mức học phí thấp nhất để hỗ trợ người học”. Ông Tớp nói thêm, một số chương trình đào tạo hiện nay có sức hút rất lớn do yếu tố về thời thượng, do tìm kiếm công ăn việc làm, kể cả thu nhập sau khi ra trường, số học sinh đầu vào rất là đông thì mức học phí nằm ở mức cao nhất”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức tăng học phí phải đi đôi với cam kết tăng chất lượng đào tạo, tăng uy tín cho đầu ra của sinh viên. Đây là cũng là ý kiến của đại đa số phụ huynh. “Nhà trường tự chủ học phí thì đương nhiên nhà nước bớt được gánh nặng tài chính, sinh viên được hưởng nền gíao dục thật sự cạnh tranh. Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chi tiền cho con mình đi học, miễn sao chất lượng tốt, cơ sở vật chất tốt, môi trường tốt và việc làm tốt sau khi ra trường” – chị Huyền Thương (ngõ 553 đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) thẳng thắn nói.
Trước đó, tại hội thảo Giáo dục 2018 với chủ đề Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế giữa tháng 8, bà Đặng Thị Thanh Huyền - Học viện Quản lí Giáo dục cũng cho rằng, xu hướng tự chủ đại học là tất yếu, đi đôi với đó các trường được tự quyết trong vấn đề học phí. Các trường cần cân nhắc mức tăng hợp lý để cánh cổng đại học không trở nên quá xa vời với những gia đình ngoại thành, những sinh viên nghèo khao khát được đến trường.
Không ít các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, cùng với thông tin về ngành đào tạo, thí sinh nên tham khảo cả thông tin về mức học phí theo từng năm để lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình. Nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh quên điều này và thực sự “ngợp” trước số tiền mà con mình phải chi trả trong từng học kỳ hay cho từng tín chỉ môn học.