Câu chuyện bình đẳng giáo dục ở Nhật Bản

[Ngày Nay] - Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục hiện đại và chất lượng nhất thế giới. Tuy nhiên, bình đẳng giáo dục ở mọi cấp học tại “đất nước mặt trời mọc” vẫn là câu chuyện chưa hồi kết với những điểm “sáng và xám” đan xen.

1. Ở nhiều nước, nền tảng kinh tế gia đình của mỗi đứa trẻ thường quyết định chất lượng giáo dục mà chúng nhận được. Con em nhà giàu mới có điều kiện theo học ở những trường có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hàng đầu. Nhiều gia đình kinh tế khá giả còn “chạy” cho con vào “trường chuyên, lớp chọn”. Ngược lại, học sinh nghèo, nhất là ở những vùng nông thôn, thường phải học ở trường có thiết bị học tập sơ sài, chất lượng kém, sử dụng giáo trình lỗi thời cùng đội ngũ tư vấn giáo dục ít ỏi. Hiện tượng này ít có “đất” phát triển ở cấp giáo dục công bắt buộc Nhật Bản.

Câu chuyện bình đẳng giáo dục ở Nhật Bản ảnh 1

Để có sự bình đẳng, giáo dục Nhật Bản đã thực hiện một số nguyên tắc đáng để học hỏi.

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa các trường. Tại Nhật Bản, có thể thấy những khu nhà “ổ chuột” song hiếm khi bắt gặp một trường học xuống cấp. Nhà nước Nhật đặc biệt ưu tiên chi phí cho xây dựng trường học, các cơ sở giáo dục bắt buộc ở những khu vực khác nhau được trang bị bình đẳng và hết sức tiện nghi. Ví dụ một trường tiểu học kiểu mẫu luôn có tủ để giày; phòng học với hệ thống nghe – nhìn tiên tiến, đầy đủ bóng đèn, các cửa ra vào dạng trượt, ghế ngồi có ngăn kéo đặt đồ dùng học sinh, cuối phòng học có hộc tủ đựng cặp…; phòng âm nhạc với nhiều nhạc cụ; phòng thí nghiệm; phòng nghệ thuật và thủ công; thư viện; phòng nấu ăn; phòng máy tính; phòng truyền thông; nhà vệ sinh sạch sẽ; sân chơi…

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong số 35 quốc gia thành viên OECD, Nhật Bản đứng đầu về sự bình đẳng giáo dục ở cấp mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.

Chính quyền thậm chí dành sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho giáo dục ở các vùng khó khăn. Ví dụ tại làng Iitate – nơi chịu ảnh hưởng phóng xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, nhiều gia đình rơi vào khó khăn kinh tế song vẫn muốn con em quay lại trường học. Vì vậy, chính phủ đã cho xây dựng ngôi trường mới ở thị trấn Kawamata bên ngoài khu vực nhiễm xạ. Chính phủ cũng tìm cách giảm gánh nặng kinh tế cho các phụ huynh bằng cách cung cấp miễn phí bữa trưa, đồng phục, sách, bút, đồ tập thể thao… cho học sinh. Nhờ vậy, dù các lớp học có quy mô nhỏ (có lớp chỉ hai học sinh) song chất lượng giáo dục còn tốt hơn trước năm 2011. Hiệu trưởng Takehiko Yoshikawa cho biết: “Bình đẳng giáo dục vô cùng quan trọng đối với trẻ em ở làng Iilate. Ở mọi nơi, học sinh cần được thụ hưởng sự giáo dục như nhau”.

Câu chuyện bình đẳng giáo dục ở Nhật Bản ảnh 2

Thứ hai, sự bình đẳng giữa các giáo viên. Ở nhiều nước, xảy ra tình trạng giáo viên giỏi đua nhau về dạy ở trường danh tiếng và “cắm rễ” ở đó cả sự nghiệp. Nhưng ở “xứ sở hoa anh đào”, không phải các trường mà là quận, huyện quyết định việc tuyển dụng giáo viên. Thời kỳ đầu đứng lớp, cứ ba năm một lần, giáo viên Nhật Bản được luân chuyển sang các trường khác nhau. Điều này nhằm giúp mọi giáo viên đều được trải nghiệm nhiều môi trường giảng dạy, giáo viên trẻ trau dồi kinh nghiệm, học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước. Nó cũng đảm bảo rằng ngay ở những khu vực có mức thu nhập trung bình thì cũng luôn có một đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn cao để trợ giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Một trong những yếu tố khiến giáo viên Nhật Bản thoải mái với việc điều động là họ được cả chính phủ trung ương lẫn chính quyền địa phương trả lương công bằng, hợp lý. Mặc dù Nhật Bản đầu tư cho giáo dục ít hơn các quốc gia phát triển (khoảng 3,3% GDP, trong khi mức trung bình của OECD là 4.9%), song giáo viên nước này lại được trả lương nhiều hơn mức trung bình của OECD.

Câu chuyện bình đẳng giáo dục ở Nhật Bản ảnh 3

Thứ ba, sự bình đẳng giữa các học sinh. OECD ước tính chỉ có 9% chênh lệch trong thành tích học tập của học sinh Nhật Bản được giải thích bởi bối cảnh kinh tế xã hội. Mức trung bình của OECD là 14% và tại Mỹ con số này là 17%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học Nhật Bản là 96,7%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD. Có được điều này bởi tại bất cứ ngôi trường nào, học sinh cũng nhận sự chăm sóc, giáo dục tương đương. Khác với Mỹ, trường học Nhật Bản không có các chương trình “tài năng và năng khiếu”. Học sinh dù giỏi hay kém đều học chung lớp, nhờ vậy những học sinh giỏi có thể giúp đỡ học sinh kém và học sinh kém không có cảm giác bị bỏ lại phía sau.

Các lớp học tại Nhật Bản không có lớp trưởng mà học sinh luân phiên điều hành lớp. Mọi học sinh không phân biệt giàu nghèo đều phải tham gia nhặt rác, lau dọn lớp học, nhà ăn, nhà vệ sinh, trạm dừng xe bus đưa đón học sinh… Gần như tất cả học sinh Nhật Bản phải mặc đồng phục khi đến trường. Theo các nhà giáo dục, quy định này nhằm xóa bỏ sự phân biệt giàu – nghèo giữa các học sinh. Đầu năm 2018, trường tiểu học Taimei ở Tokyo đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì bắt phụ huynh mua đồng phục hàng hiệu với giá hơn 80.000 yên (khoảng 16,7 triệu VND). Naoki Ogi, một nhà phê bình giáo dục nổi tiếng của Nhật nói: “Hàng hiệu trong một trường tiểu học công ư? Điều đó chẳng khác nào nói không với người nghèo”.

Thứ tư, bình đẳng dành cho phụ huynh. Ở Nhật Bản, mọi phụ huynh đều được tham gia các buổi “hướng dẫn nhập học” của trường; dự giờ học để lắng nghe bài giảng giáo viên và quan sát quá trình học tập của con; dùng thử bữa ăn của học sinh để góp ý về chất lượng thực phẩm, dinh dưỡng; tham gia các hoạt động ngoại khóa của con như: nấu ăn, chơi thể thao; tình nguyện bảo vệ trẻ em trên đường đi học mỗi sáng... Hội phụ huynh cũng có nhưng chỉ với mục đích chăm lo chung cho đời sống tinh thần của con cái và hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa. Hội phụ huynh chính là  những người ra quyết định về các vấn đề của hội chứ không phải từ phía nhà trường: quyết định các hoạt động chung, thu và giải ngân ngân quỹ, thảo luận về tình hình giáo dục mà trẻ em quan tâm... Chính hội phụ huynh là đơn vị có tác động lớn tới chất lượng giáo dục của trường.

Câu chuyện bình đẳng giáo dục ở Nhật Bản ảnh 4

Sự bình đẳng trong quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh Nhật Bản đã giúp cho các hội phụ huynh ở nước này không trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường để lạm thu. Nhà trường cũng không cần tới những vị phụ huynh có tiền, có quyền trong hội phụ huynh. Quan trọng là điều này giúp những phụ huynh thu nhập thấp ở Nhật Bản không cảm thấy bị “đứng ngoài lề” trong hoạt động giáo dục con cái mình.

2.Ở một mặt khác của “bức tranh” giáo dục Nhật Bản, nghèo đói vẫn là một trở ngại cho sự bình đẳng, nhất là ở cấp giáo dục không bắt buộc (trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và dạy nghề). Khi Hyungsik Lee bước chân vào Đại học Tokyo – một trong những đại học hàng đầu Nhật Bản, cậu sinh viên 26 tuổi sống ở khu dân cư nghèo thuộc tỉnh Hyogo mới thấy hết sự phân tầng xã hội Nhật. Hyungsik đã rất sốc khi biết nhiều sinh viên gặp trong ký túc xá đến từ những gia đình giàu có.

Hyungsik hiểu rằng những học sinh nghèo cùng quê không có thời gian làm bài tập về nhà hay ôn thi bởi họ cần phải trông em cho bố mẹ đi làm thuê. Ngoài ra, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ giấc mơ vào đại học bởi học phí ở các trường đại học Nhật Bản rất đắt đỏ và có ít học bổng dành cho sinh viên. Một số bạn của Hyungsik sau khi nghỉ học đã bị đưa vào các trại tạm giam vì phạm tội. Hyungsik buồn bã nói: “Tương lai của một đứa trẻ phụ thuộc lớn vào gia cảnh, thành phần xuất thân của chúng. Đứa trẻ khó có thể thay đổi tương lai nếu chỉ dựa vào nỗ lực bản thân”.

Thực tế, vòng luẩn quẩn đói nghèo đang trở thành vấn đề đáng lo lắng tại Nhật Bản. Theo các cuộc khảo sát của chính quyền Nhật Bản vào năm 2016, tỷ lệ trẻ em được liệt vào dạng nghèo ở nước này đã tăng lên 16,3% (năm 1985, tỷ lệ là 10,9%), có nghĩa là cứ 6 trẻ em lại có 1 trẻ em nghèo; tại Thủ đô Tokyo, có hơn 20% học sinh thuộc các hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính. Các cuộc khảo sát cho thấy, trẻ em trong các gia đình nghèo thường có trình độ học vấn thấp, kéo theo thu nhập thấp suốt đời. Thậm chí nếu may mắn vào được đại học thì sau khi tốt nghiệp và đi làm, nhiều cử nhân nghèo vẫn không trả hết nợ nần học phí. Hệ quả là việc Nhà nước thất thu thuế đáng kể trong tương lai.

Trước thực trạng trên, trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo, trong đó có việc nâng trợ cấp nuôi con cho các bậc phụ huynh đơn thân. Tuy nhiên, việc trợ cấp này bị đánh giá là chưa giải quyết tận gốc vòng luẩn quẩn đói nghèo, bởi nhiều phụ huynh không sử dụng tiền trợ cấp vào mục đích đầu tư giáo dục cho con. Các trường học công và tư ở Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ cho học sinh nghèo.

Một trong những sáng kiến là mở các căng-tin kodomo shokudo để cung cấp các bữa ăn miễn phí đủ dinh dưỡng cho học sinh nghèo, đồng thời hỗ trợ học sinh sau giờ lên lớp. Quỹ Nippon Foudation gần đây cũng đã lên kế hoạch mở 100 cơ sở giúp đỡ học sinh nghèo khắp Nhật Bản trong vòng 5 năm tới, theo đó học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 thuộc các gia đình thu nhập thấp sẽ có chỗ học tập, vui chơi sau giờ học, trong lúc chờ cha mẹ đến đón vào buổi tối. Tại đây, trẻ sẽ được cải thiện kỹ năng đọc hoặc học các kỹ năng sống, chẳng hạn thói quen đánh răng vào buổi tối.

Nhằm tạo ra sự bình đẳng trong môi trường đại học, chính quyền đang đề xuất triển khai các chương trình học bổng trị giá 800 tỷ yên (tương đương 7,2 tỷ USD) dành cho sinh viên thuộc các gia đình có thu nhập thấp khắp cả nước. Nếu đề xuất này được thông qua, từ năm 2020, các sinh viên nghèo sẽ được chính phủ trợ cấp chi trả học phí cho các trường đại học, cao đẳng tư, các trường dạy nghề mà họ theo học. Chính quyền hy vọng sự đầu tư giáo dục này sẽ giúp sinh viên nghèo thoát khỏi nợ nần, qua đó giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu tăng năng suất lao động lên 10% trong vòng 4 năm tới.

Theo thống kê của Đại học Tokyo vào năm 2014, có tới 54,8% sinh viên xuất thân trong những gia đình khá giả có thu nhập thường niên trên 9,5 triệu yên, trong khi ngưỡng thu nhập của hộ nghèo chưa đến 1,22 triệu yên.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?