Công tác thu phí tại trạm BOT từ trước tới nay có các hình thức phổ biến là thu phí hai lần dừng (gọi tắt là hai dừng, lái xe dừng mua vé, xong qua trạm lại dừng trả vé tại cabin) một lần dừng (mua, trả vé ngay tại cabin). Hai hình thức này có một số hạn chế so với việc áp dụng thu phí tự động, không dừng (xe chạy thẳng vì có camera đọc thẻ dán trên xe).
Vì sao vẫn chậm?
Việc thu phí tự động, không dừng được Bộ GTVT triển khai từ năm 2017 đối với các trạm thu phí BOT trên quốc lộ (QL)1, QL14. Mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2019, các trạm không triển khai thu phí không dừng sẽ bị dừng thu phí nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ người dùng dịch vụ vẫn còn thấp, khó đạt được mục tiêu.
Bên cạnh đó, thống kê của Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có khoảng trên 90 trạm thu phí BOT đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện. Nhiều trạm đặt trên các tuyến QL huyết mạch ra vào các thành phố lớn, nên việc thu phí thủ công nhiều thời điểm là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng, cộng với việc nhiều bất cập như: Không minh bạch được nguồn thu phí, thất thu phí, không thống kê được số lượng phương tiện qua trạm…
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư PPP (Bộ GTVT), hiện nay, dự án giai đoạn I thực hiện thu phí không dừng có 28 trạm BOT, hiện đã hoàn thành 26 trạm, có 2 trạm chưa thực hiện do đang dừng và trạm hết hạn thu phí. Còn 33 trạm thuộc dự án giai đoạn II thì bàn giao năm 2019 hoàn thành. Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến trong tháng này sẽ đấu thầu giai đoạn II, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành cuối năm nay.
“Tuy nhiên, công tác dán thẻ hiện đạt thấp, mới chỉ có khoảng 720.000/3,5 triệu phương tiện dán thẻ. Việc không ít lái xe e ngại việc dán thẻ sẽ bị giám sát trên toàn quốc và thói quen dùng tiền mặt chính là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án”, ông Huy cho biết.
Ở góc độ nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp khẳng định, hoàn toàn ủng hộ chủ trương thu phí không dừng, vì sẽ khắc phục được bất cập của việc thu phí thủ công hiện nay, giảm chi phí nhân công, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Nhưng về tài khoản tham gia thu phí không dừng, thì số lượng khách hàng phải trả tiền trước cho đơn vị thu phí không dừng lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ. Vậy, đơn vị này cần làm rõ phương án tài chính sử dụng nguồn thu này, nhằm minh bạch thông tin cho nhà đầu tư và người dân...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ - Môi trường - Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, việc thu phí một dừng hay không dừng đều áp dụng theo quy định của Nhà nước và tiêu chuẩn kỹ thuật được cơ quan Nhà nước ban hành. Thu phí một dừng đang áp dụng tiêu chuẩn được xây dựng với quy trình khá chặt chẽ về công tác thu phí, có quy định các trạm thu phí phải thực hiện sao lưu, lữu trữ hình ảnh phương tiện, video làn thu phí. Còn thu phí không dừng dùng công nghệ tiên tiến hiện nay về thu phí điện tử, Bộ GTVT đã ban hành quy định về yêu cầu kỹ thuật chung, được nhiều nước áp dụng và minh bạch.
Hài hòa lợi ích 4 nhà
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc thu phí đường bộ tại Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn thu phí 2 dừng, thu phí 1 dừng và hiện nay là thu phí không dừng. Đây là xu thế tất yếu. Song, hiện nay, dự án mới chú trọng về công nghệ và chưa làm rõ được vấn đề về cơ chế, dẫn đến các ý kiến trái chiều.
Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được bố trí 2 cửa thu phí ETC. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
“Vì vậy, để dự án thực hiện đúng tiến độ, các cơ quan liên quan cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa 4 nhà: Nhà đầu tư BOT (có lợi hơn so với thu phí hiện nay vì áp dụng công nghệ hiện đại thì chi phí thu tự động thấp hơn chi phí thu thủ công); nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí tự động (cần lãi thu sau khi đầu tư về công nghệ); người sử dụng dịch vụ đường bộ (tiện lợi hơn, nhanh hơn); Nhà nước (giao thông thông thoáng, đảm bảo giám sát công khai minh bạch)”, ông Nguyễn Văn Quyền nhận định.
Trao đổi về tiến độ thực hiện, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT lấy mốc 31/12/2019 để thu phí tự động không dừng trên tất cả các dự án trên tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến khác. Bộ GTVT cũng phối hợp với địa phương để phấn đấu đưa các trạm do địa phương quản lý áp dụng thu phí không dừng vào 31/12/2019. Mục tiêu của Bộ GTVT là cơ bản đồng bộ thu phí tự động không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.