Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP. Vì vậy, việc cảnh báo, hành động sớm và nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Cảnh báo sớm, hành động sớm
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường, trong những năm qua, ngành Khí tượng thủy văn đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/năm).
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới giai đoạn đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo trong 24 giờ, nhưng đến hiện tại, đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại thì cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.
Dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km và hạn dự báo đến 10 ngày.
Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.
Ngành Khí tượng thủy văn có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả và đóng góp cho sự phát triển của đất nước như thông tin của ngành đã và đang là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng, chống thiên tai. Thông tin khí tượng thủy văn giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình, mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết. Đặc biệt, đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2020 khốc liệt hơn năm 2016, nhưng đã được theo dõi, dự báo chính xác và sớm nhất giúp Chính phủ và các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2021, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thấp nhất từ trước tới nay, thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về kinh tế 78% so với trung bình 10 năm qua...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Tiến cho rằng, chúng ta luôn nhất quán thực hiện giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng bằng việc nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng và cảnh báo sớm, hành động sớm trong ứng phó với thiên tai. Chúng ta phải chủ động đến những nơi trước khi bão đến, chủ động đến những nơi trước khi lũ đến, đó chính là cảnh báo sớm và hành động sớm.
Để làm tốt công tác đó, Tổng cục phòng, chống thiên tai cũng như Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực về phòng tránh thiên tai cho cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030", theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đề án này, đối tượng thuộc Hội Người cao tuổi được quan tâm và chú trọng, đó là những người có kiến thức, kinh nghiệm và gương mẫu trong xã hội. Khi những người cao tuổi truyền tải những kỹ năng ứng phó với thiên tai thì được cộng đồng dễ chấp nhận.
Cùng với đó, các đơn vị làm công tác phòng, chống thiên tai phối hợp với Hội Phụ nữ trong công tác cảnh báo sớm thiên tai, bởi phụ nữ trong gia đình là người rất quan tâm, chăm sóc con cái. Họ sẽ là người hướng dẫn trực tiếp, sớm nhất khi có thông tin dự báo, cảnh báo... để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiệu quả cho trẻ em, cho gia đình và phụ nữ tại cộng đồng.
Ngoài ra, các đơn vị phòng, chống thiên tai cần phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp, đây là lực lượng xung kích tham gia tích cực, đi đầu trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là những vùng khó khăn nhất. Khi có thông tin cảnh báo sớm, họ sẽ tuyên truyền cho người dân, đồng thời trực tiếp thực hiện các công tác hướng dẫn, cắm biển cảnh báo... Người dân biết sớm thông tin, từ đó có những hành động sớm để ứng phó.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục phòng, chống thiên tai làm rất tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm, đặc biệt là đối với bão số 4. Hơn 5 nghìn bài viết thông tin về các vấn đề như dự báo, cảnh báo, ứng phó với bão số 4... Qua đó, cộng đồng nắm bắt được tình hình thiên tai để chủ động tránh.
Là địa bàn thường chịu ảnh hưởng lớn bởi bão lũ, ông Lương Văn Thức, người dân xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết, chúng tôi thường xuyên theo dõi và cập nhật những thông tin về thời tiết và thông báo về tình hình thiên tai của chính quyền địa phương. Những thông tin dự báo sớm, cảnh báo sớm đã giúp cho người dân chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, từ đó biết cách phòng, chống thiên tai cho mình và cả gia đình, bảo vệ được cả tính mạng, tài sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Ảnh minh hoạ |
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo
Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các dự báo không còn dừng ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Ngành Khí tượng Thủy văn đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.
Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn.
Song song với đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc là nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.
Đối với công tác phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cảnh báo sớm, trước hết phải làm tốt công tác dự báo thời tiết và hướng dẫn cho người dân có được kỹ năng phát hiện sớm thiên tai, nhận biết được sự nguy hiểm của thiên tai. Ngoài kinh nghiệm dân gian, các cấp, các ngành có liên quan phải thường xuyên thông tin và truyền tải những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai đến mọi người dân để họ nắm bắt. Tổng cục phòng, chống thiên tai đã xây dựng được các tài liệu hướng dẫn chi tiết và gửi đến các địa phương để tuyên truyền đến cộng đồng cũng như đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục và các nền tảng mạng xã hội, quan trọng là người dân phải chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng nhận biết để phòng tránh, ứng phó với thiên tai.
Để nâng cao nhận thức cộng đồng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, bồi dưỡng và củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác thông tin, tuyên truyền. Đầu tư thích đáng nguồn lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác này trong cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông để thay đổi nhận thức đối với tất cả các cấp và người dân, chuyển từ tập trung ứng phó sang chủ động phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân một cách phù hợp với từng giai đoạn phòng, chống thiên tai, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và kế hoạch tăng cường sự phối hợp tại tất cả các cấp, ngành, sự tham gia các tổ chức xã hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ...; các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, huy động nguồn nhân lực, kỹ thuật, tài chính; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đã và đang triển khai về công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ngày 13/10 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định là “Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai” như một phương thức thúc đẩy văn hóa toàn cầu về phòng, chống thiên tai.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022 tập trung vào Mục tiêu G của Khung Sendai “Tăng cường tính bền vững và khả năng tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa cho người dân đến năm 2030."