Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng 6/11, Quốc hội nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Công khai kết quả kiểm toán theo quy định
Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.
Đối với Nghị quyết số 74/2022/QH15 về “Tăng cường công tác kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiểm toán chuyên đề các nội dung Đoàn giám sát nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 trong kế hoạch kiểm toán năm 2023,” Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán; ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói riêng.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu định hướng bám sát lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, định hướng kế hoạch kiểm toán trung hạn và các nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kế hoạch kiểm toán năm 2023 thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 27/41 bộ, cơ quan Trung ương; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52/63 địa phương.
Số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt 23% tổng số cuộc kiểm toán (30/129 cuộc), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Thực hiện yêu cầu tăng cường công khai kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức số hóa và cung cấp toàn bộ các báo cáo kiểm toán năm 2022, các báo cáo kiểm toán phát hành từ năm 2023 đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; tổng hợp nội dung, phát hiện kiểm toán trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng để công khai trên Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước, Báo Kiểm toán.
Về thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14, Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm; thực hiện một nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề gắn với hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.
Tích cực tổ chức giám sát, khảo sát
Trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực, trong đó, có một số lĩnh vực được Quốc hội quan tâm, tiến hành giám sát nhiều lần.
Theo báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện đã bám sát các nội dung trong nghị quyết của Quốc hội, đã khái quát những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, chỉ ra được nguyên nhân và xác định các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Về kết quả đạt được, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng.
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực tài chính, việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát.
Trong lĩnh vực công thương: Các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được ban hành; các giải pháp bảo đảm cung ứng điện được quan tâm thực hiện. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa được quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội còn nêu rõ một số kết quả đạt được trong lĩnh vực vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Đối với lĩnh vực tài chính, chưa ban hành được Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp. Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm…
Đề cập về một số vấn đề đặt ra sau giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác giám sát lại cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát lại trong các giai đoạn tiếp theo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tích cực tổ chức giám sát, khảo sát để phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.