Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 110 năm Ngày Bác đi tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Bài viết đề cập nhiều nhận thức mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề sâu sắc trong xây dựng Ðảng về chính trị và về tư tưởng, lý luận.
Phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải dựa trên lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðó là sự phát triển quan điểm về mối quan hệ giữa trung thành, kiên định với phát triển sáng tạo. Trung thành mà không sáng tạo dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, duy ý chí; sáng tạo mà không trung thành, kiên định có thể mắc vào chủ nghĩa xét lại, mất phương hướng, chệch hướng.
Lịch sử của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới kể từ Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) đã hơn 100 năm. Chủ nghĩa xã hội đạt được những thành tựu to lớn tỏ rõ tính ưu việt không thể phủ nhận, nhưng cũng bộc lộ những khuyết tật, hạn chế, chậm được sửa chữa và dẫn tới tan rã mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Ðông Âu. Sau biến cố đó, một số nước trong đó có Việt Nam vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, và ở mỗi nước đều có sự phát triển mới trong nhận thức và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa có điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1947, trong hoàn cảnh kháng chiến chống xâm lược, Hồ Chí Minh đã xác định, Ðảng "phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Khi miền bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn quan trọng về trách nhiệm của Ðảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, trách nhiệm với cuộc sống của nhân dân. Năm 1956, Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh".
Người nhấn mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải có con đường riêng, không thể giống như các nước khác. "Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác". Năm 1957, Hồ Chí Minh còn căn dặn: "Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Ðảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta".
Công cuộc đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI (tháng 12-1986) đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trải qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Một trong những thành tựu đó là sự phát triển sáng tạo trong tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục làm rõ hơn nhận thức, tính khoa học và hiện thực của con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Từ Cương lĩnh 1991, Ðảng nêu rõ sáu đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 với tám đặc trưng là sự phát triển rất cơ bản, sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận, phát triển tư duy sáng tạo với tổng kết thực tiễn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Muốn cho chủ nghĩa xã hội trở thành một khoa học, đòi hỏi sự nghiên cứu thấu đáo, đồng thời phải đặt nó trên mảnh đất hiện thực. Cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội vẫn là giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của mỗi con người. Cương lĩnh năm 2011 nhấn mạnh đặc trưng hàng đầu là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðặc trưng tiếp theo là xã hội do nhân dân làm chủ. Tiếp đó là "con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Các đặc trưng khác, xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp đều hướng tới nhân dân, hướng tới con người, khi xác định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển".
Thực tiễn đổi mới cho thấy mô hình chủ nghĩa xã hội từng bước được hiện thực hóa. Chủ nghĩa xã hội là xã hội mưu cầu lợi ích cho toàn dân chứ không phải vì lợi ích của số ít người. Công cuộc đổi mới đã kết hợp ngay từ đầu tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; kết hợp chính sách kinh tế với chính sách xã hội, từ thành tựu phát triển kinh tế mà thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách xã hội, thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội với hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và cứu trợ xã hội. Ðó là những chính sách ưu việt của chủ nghĩa xã hội, vừa bảo đảm cuộc sống lâu dài của người dân trong suốt cuộc đời, vừa trợ giúp những tầng lớp yếu thế trong xã hội, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh và những biến động khác.
Chủ nghĩa xã hội là xã hội mà mọi người dân được ấm no, tự do, sung sướng, hạnh phúc. Chuẩn mực hạnh phúc được đặt ra để mọi người, toàn xã hội phấn đấu và chính sách, pháp luật bảo đảm cho những chuẩn mực đó được thực hiện tốt nhất. Thu nhập của người dân không ngừng tăng lên bảo đảm cuộc sống đầy đủ về vật chất. Hưởng thụ nền giáo dục và văn hóa tiên tiến để có cuộc sống tinh thần, văn hóa lành mạnh, tốt đẹp và giá trị đạo đức trong sáng. Xóa đói, giảm nghèo là chương trình và mục tiêu lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo. Việt Nam đã hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 3% (năm 2020). "Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt 32,7%. Mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội"6. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện hai Chương trình quốc gia: Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên trong xã hội, mục tiêu dân giàu không ngừng phát triển. Nhưng cũng phải nhìn nhận, con số dưới 3% hộ nghèo vẫn tương đương hàng triệu người. Phải có chính sách, giải pháp mạnh mẽ đạt hiệu quả để không còn hộ đói nghèo.
Chế độ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị gắn liền với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ðảng không ngừng xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu bảo đảm lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hướng tới phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính và vì dân. Cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa rộng rãi và thực chất.
Cần nhấn mạnh vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hệ thống luật pháp của Nhà nước cũng phục vụ tốt nhất cho người dân, bảo vệ và thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như đã ghi trong Chương II của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Chủ nghĩa xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa xã hội phải là đỉnh cao của văn hóa, văn minh hướng người dân tới những giá trị tốt đẹp nhất. Văn hóa đó kế thừa, phát triển giá trị văn hóa của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử định hình nền văn hiến Việt Nam. Văn hiến là hội tụ giá trị văn hóa, học thức, đạo đức và cái đẹp. Xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa phát triển văn hóa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa Hồ Chí Minh là điển hình của sự kết hợp tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại.
Hiện nay cần nhận thức rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực của sự phát triển. Xây dựng, phát triển văn hóa gắn liền với xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong thời đại mới. Con người không chỉ hưởng thụ thành quả của chủ nghĩa xã hội mà phải là chủ thể sáng tạo trong xây dựng xã hội mới. Sinh thời, Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Ðó là con người có giác ngộ cao về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, về quyền làm chủ, có trí tuệ và kỹ năng lao động, làm việc, có ý thức tổ chức và tinh thần tự giác, trách nhiệm với đất nước, xã hội, với mọi người, có đạo đức và lối sống văn minh. Chỉ với những con người như thế, được giáo dục, đào tạo và rèn luyện không ngừng mới có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay càng đòi hỏi rất cao về phát huy vai trò chủ thể của con người. Ðó là con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo. Con người Việt Nam phải có trí tuệ cao và khát vọng phấn đấu vì sự hùng cường, phồn vinh của Tổ quốc và hạnh phúc của chính mình.
Ðại hội XIII nêu rõ sự cần thiết "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam".
Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam "có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới". Hòa bình, hữu nghị, hợp tác là bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam dựa trên truyền thống hòa hiếu của dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Ðại hội XIII nhấn mạnh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Khát vọng hòa bình, độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng là hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc
(Bài đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 25/05/2021)