Phát biểu tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng với Hà Nội sáng 17/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định vấn đề ô nhiễm ở mức “báo động đỏ”.
Ông Chung cho hay, một trong những giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí là lắp đặt trạm quan trắc. Thành phố đã lắp được 8 - 10 trạm, trong năm sẽ lắp thêm nhiều trạm nữa để từ các trạm này sẽ có toàn bộ thông số về không khí chung của thành phố cũng như từng tuyến đường, khu vực ô nhiễm nặng và xác định nguyên nhân để xử lý.
“Theo thông tin của một trạm hoạt động 2 tháng qua, có thể nói nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nặng nề nhất liên quan đến xả thải của xe máy và ôtô”, ông Chung nói.
Lãnh đạo Hà Nội thông tin, hiện thành phố có khoảng 2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000. Thành phố sẽ cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6/2017, sau đó sẽ trình Chính phủ; một trong các nội dung của đề án là đưa ra biện pháp thu hồi ôtô, xe máy đã quá đát.
Đến cuối năm 2016, Hà Nội có khoảng 560.000 ôtô và 5,5 triệu xe máy. |
Hà Nội hiện có khoảng 560.000 ôtô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng của ôtô gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%.
Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố đầu tháng 1/2017, cho thấy bức tranh tổng thể về không khí ở Hà Nội và TP HCM rất đáng báo động, cụ thể là chỉ số AQI (thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) đều vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.
Theo Vnexpress