Trong các giải pháp xây dựng Đảng, việc dựa vào nhân dân, động viên và khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng.
_______________
Khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trở thành đảng cầm quyền, điều luôn thường trực trong tâm thức và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm thế nào Đảng giữ vững và xứng đáng là đảng cách mạng chân chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng qua mỗi chặng đường lịch sử.
Gắn bó và giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân là một nguyên tắc quan trọng trong học thuyết Mác - Lênin về đảng của giai cấp công nhân. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta... Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”.
Tháng 7/1969, trong Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đảng bộ và nhân dân một địa phương trong nước trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người căn dặn: “Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng... Làm được như thế, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân sẽ càng thêm mật thiết”.
Vai trò của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra qua những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, nhân dân là nền tảng lực lượng và sức mạnh của Đảng. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn thể (tức Đảng ta theo cách gọi bí mật những năm đầu kháng chiến chống Pháp - TG) từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.
Mặt khác, những năm cách mạng chưa thành công, nhờ nhân dân bảo vệ, che chở nên Đảng vẫn tồn tại, phát triển dù chính quyền đế quốc thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố rất tàn bạo. Cũng nhờ nhân dân ủng hộ, tin theo, Đảng đã tập hợp và phát huy thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chớp thời cơ làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những tình thế hiểm nghèo để vững bước đi lên trên đường thắng lợi. Rõ ràng là: “Dễ mười lần không dân cũng chịu / Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”.
Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, là điều kiện thuận lợi để đội ngũ đảng viên được rèn luyện và trưởng thành. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi..., cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Thứ hai, nhân dân giúp Đảng giáo dục cán bộ, đảng viên để nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trăn trở làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn đạo đức cách mạng, không bị hư hỏng, tha hoá, khi Đảng trở thành đảng cầm quyền. Người đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Nhân dân là những người thường ngày vẫn tiếp xúc với các cán bộ, đảng viên của Đảng ở nơi làm việc, hoặc ở nơi cư trú. Vì vậy, nhân dân là những người hiểu rõ nhất về phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua dư luận mạnh mẽ của quần chúng, mỗi cán bộ đảng viên có khuyết điểm sẽ phải tự điều chỉnh, sửa chữa hoặc bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật làm gương cho kẻ khác, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Thứ ba, nhân dân giúp Đảng kiểm tra, đánh giá và sử dụng cán bộ một cách đúng đắn. Kiểm tra, đánh giá và sử dụng đúng cán bộ là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Trong thực tế, đây là việc rất khó khăn, đòi hỏi những người, cấp có thẩm quyền phải thực hiện một cách khoa học, công tâm, để tránh lầm lẫn thật giả, nhất là không sử dụng nhầm những kẻ cơ hội, cá nhân chủ nghĩa biết tạo vỏ bọc bắng sự xu nịnh, dối trên lừa dưới. Để làm được điều này, cần phải dựa vào sự góp ý của đông đảo nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu chỉ dẫn: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ (Chúng tôi nhấn mạnh - TG) mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”.
Thứ tư, nhân dân giúp Đảng xây dựng và bổ sung, điều chỉnh chủ trương, đường lối lãnh đạo phù hợp với thực tiễn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm nhắc nhở các cán bộ, đảng viên cần chú ý tính thiết thực trong công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Người chỉ rõ: “Cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực, chu đáo, liên tục, toàn diện”. Trong quan niệm của Người, cách lãnh đạo thiết thực có nghĩa là trước khi đưa ra một đường lối, chủ trương mới, Đảng phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng sinh động của nhân dân, phải tham khảo những kinh nghiệm hay, những ý kiến tâm huyết của nhân dân. Sau đó Đảng phải tập hợp các kinh nghiệm, ý kiến lại và phân tích, nghiên cứu, sắp đặt một cách có hệ thống. Từ đó mà xây dựng thành đường lối chung và tuyên truyền, tổ chức nhân dân thực hiện. Khi quần chúng nhân dân thực hiện thì kiểm tra, xem xét lại đường lối đó có phù hợp không, rồi tiếp tục tập trung ý kiến của quần chúng, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tuyên truyền, tổ chức nhân dân thực hiện. Cứ như vậy đường lối của Đảng sẽ ngày càng sát hợp với thực tế và đó chính là cách lãnh đạo tốt. Với ý nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.”
Như vậy, trong quan niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò quan trọng của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng thể hiện ở cả các nội dung: xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ và xây dựng Đảng về đạo đức. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc điều này, Người cũng rất quan tâm nhắc nhở cấp uỷ Đảng các cấp cần khéo tìm cách để thực sự phát huy tính tích cực của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Người viết: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”.
Trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hoá phương châm trên thành những biện pháp chủ yếu sau:
Một là, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là nhân tố gốc để tạo thành tư cách của mỗi người cách mạng; muốn có đạo đức cách mạng, cách tốt nhất với mỗi người cách mạng là phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bền bỉ hàng ngày, cũng ví như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Nhờ có trước hết là đạo đức cách mạng mà các cán bộ, đảng viên được nhân dân nghe theo, tin theo và làm theo.
Cùng với yêu cầu tu dưỡng rèn luyện bản thân, mỗi cán bộ, đảng viên cũng còn phải luôn luôn quan tâm, giúp đỡ nhân dân, nhất là chăm lo lợi ích thiết thực chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới thực sự tin yêu, cảm phục và tích cực ủng hộ Đảng trong mọi lĩnh vực công tác, trong đó có công tác xây dựng Đảng.
Hai là, các đảng viên ở cương vị lãnh đạo cần có cách lãnh đạo theo đường lối quần chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết cách lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử là một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên của Đảng, nhất là đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Vậy thế nào là người biết cách lãnh đạo, hay nói cách khác, thế nào là cách lãnh đạo đúng? Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp cách lãnh đạo đúng là phải theo đường lối quần chúng, từ khâu xây dựng chủ trương, đường lối, đến khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đều phải dựa vào nhân dân.
Ba là, cấp uỷ đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc tự phê bình trước nhân dân, đồng thời hoan nghênh và khuyến khích nhân dân góp ý phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân tin yêu, quý mến các cán bộ, đảng viên chẳng những vì đạo đức cách mạng trong sáng, cách lãnh đạo theo đường lối quần chúng, mà còn vì tinh thần dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm trước nhân dân, lắng nghe ý kiến phê bình của nhân dân, từ đó quyết tâm tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Người nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình”.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình là điều mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện trước tiên khi muốn nghe sự góp ý, phê bình của nhân dân cũng như trước khi phê bình người khác. Người chỉ rõ: “Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”.
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, nhân dân tham gia xây dựng Đảng nói riêng là nền tảng lý luận rất quan trọng để Đảng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Thực tiễn lịch sử Đảng hơn 90 năm qua cho thấy dựa vào nhân dân, động viên và khuyến khích nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng vẫn luôn là bài học lớn của cách mạng Việt Nam.
Bài: PGS.TS Lý Việt Quang
Thiết kế: Mẫn San