Thịnh vượng chung
Ông Tập khẳng định chính phủ phải thiết lập một hệ thống tái phân phối của cải vì lợi ích "công bằng xã hội".
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng cần phải "điều tiết hợp lý những thu nhập cao quá mức, khuyến khích những người có thu nhập cao và các doanh nghiệp đóng góp ngược lại cho xã hội nhiều hơn."
Để hiện thực hóa cam kết của ông Tập, chính quyền Bắc Kinh có thể xem xét việc đánh thuế để phân phối lại thu nhập và của cải của một số cá nhân và tổ chức.
Ông Tập thậm chí còn viện dẫn nhu cầu "thịnh vượng chung" của người dân Trung Quốc là yếu tố then chốt để biến đất nước thành một quốc gia "phát triển toàn diện, giàu mạnh" vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đất nước.
"Sự thịnh vượng chung phải là sự thịnh vượng của tất cả nhân dân", ông Tập khẳng định. "Không phải sự thịnh vượng của một vài người."
Cụm từ "thịnh vượng chung" mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử ở Trung Quốc, và việc ông Tập sử dụng trong nó trong bối cảnh tái phân phối của cải khiến nhiều người nhớ tới giai đoạn cải cách ruộng đất và Cách mạng Văn hóa dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Sau thời kỳ thụt lùi này, Trung Quốc bắt đầu tự do hóa kinh tế trong nhiều thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Ông Đặng đã sử dụng cụm từ "thịnh vượng chung" khi đất nước chấp nhận các nguyên tắc thị trường tự do trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và mở cửa với nền kinh tế thế giới.
Đặng Tiểu Bình từng nói với một phái đoàn các giám đốc điều hành công ty Mỹ đến thăm Trung Quốc vào năm 1985 rằng “một số khu vực và một số người có thể trở nên giàu có trước tiên, sau đó lãnh đạo và giúp đỡ các khu vực và người dân khác làm giàu, dần dần chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng chung."
Trong những năm qua, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối trọng hàng đầu của Mỹ trên lĩnh vực công nghệ. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc có thể giúp nước này vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ tới.
Bất bình đẳng ngày càng tăng
Khu vực tư nhân và lượng tài sản của Trung Quốc đang ngày càng phát triển, minh chứng là vào năm 2019, số người giàu Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua số người giàu của Mỹ. Thế nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ở Trung Quốc ngày càng trở nên sâu rộng.
Dù tuyên bố đã xóa bỏ tình trạng đói nghèo ở nông thôn, thế nhưng thực trạng bất bình đẳng thu nhập lại khiến Chủ tịch Tập Cận Bình bận tâm. Hôm thứ Ba, ông Tập thừa nhận rằng Đảng đã "cho phép một số người, một số khu vực trở nên giàu có trước" sau những cải cách kinh tế từ những năm 1970.
Nhưng kể từ năm 2012, chính quyền trung ương đã đưa mục tiêu "hiện thực hóa sự thịnh vượng chung của tất cả người dân lên một vị trí quan trọng hơn."
Sự tập trung của ông Tập vào việc tái phân phối của cải gắn với các mục tiêu rộng lớn hơn của chính phủ đối với nền kinh tế. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã bắt tay vào một cuộc chỉnh lí chưa từng có đối với các lĩnh vực công nghệ, tài chính, giáo dục với danh nghĩa ngăn chặn rủi ro tài chính, bảo vệ nền kinh tế và dập tắt tham nhũng.
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng khu vực tư nhân đã tạo ra các vấn đề kinh tế có khả năng gây mất ổn định xã hội. Việc chính phủ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về triển vọng đổi mới và tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đã có dấu hiệu suy yếu. Dữ liệu được công bố vào đầu tuần này cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi đã tăng lên mức tồi tệ nhất trong một năm qua.
Các chuyên gia kinh tế đã liệt kê nhiều nguyên nhân gây trở ngại cho nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, lũ lụt, rủi ro nợ ngày càng tăng và tâm lý nhà đầu tư e ngại trước sự can thiệp của chính phủ.
Là "nạn nhân" trong đợt can thiệp lần này, Tencent - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, khẳng định sẽ mở rộng các cam kết đóng góp cho xã hội.
Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma cho biết công ty đang kinh doanh để giúp đỡ xã hội bằng cách “triển khai các công nghệ và chuyên môn của chúng tôi để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ công và tập đoàn hợp tác trong nội bộ và kết nối với người dùng của họ ở bên ngoài”.
Vào tháng 4 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra mức phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD đối với công ty Alibaba do vi phạm quy định chống độc quyền.
Vào cuối tháng 12, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc (SAMR) thông báo đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty Alibaba. Động thái này được tiến hành sau khi các nhà chức trách xem xét kế hoạch IPO trị giá 37 tỷ USD từ Ant Group, nhánh tài chính điện tử của Alibaba.
Việc liên tục bị ngăn chặn các thương vụ mua bán, sáp nhập đã khiến khối tài sản của giới tài phiệt Trung Quốc giảm dần. Theo phân tích của Financial Times, tổng giá trị ròng của 20 tỷ phú Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ sinh học đã giảm 16% kể từ cuối tháng 6.
Vào năm ngoái, ông Zhong Shanshan, người đứng đầu công ty nước đóng chai Nongfu Spring, đã vượt qua hai tỷ phú Jack Ma và Pony Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ông Zhong Shanshancó khối tài sản hơn 72 tỷ USD, nhiều hơn Jack Ma khoảng 24 tỷ USD.