Theo quy định của pháp luật, để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội nghị hiệp thương được tiến hành ba lần.
Đến thời điểm này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành xong Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ được tổ chức trước 17 giờ ngày 19/4/2021.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo điều kiện cho người ứng cử về khu dân cư lắng nghe ý kiến nhân dân; tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến người ứng cử đều sẽ được thông tin minh bạch, công khai.
Tổ chức thành công hiệp thương lần thứ hai
Đánh giá về kết quả tại Hội nghị hiệp thương lần hai của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Ngô Sách Thực cho rằng hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đi vào những nội dung trọng tâm theo quy định của luật, nhất là những nội dung liên quan đến danh sách sơ bộ, chất lượng, tiêu chuẩn của các đại biểu, qua đó thống nhất danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình hiệp thương.
Ông Ngô Sách Thực đánh giá việc Đoàn Chủ tịch tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ hai cho thấy, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã thực hiện đúng các quy trình tổ chức hội nghị nơi công tác và có biên bản gửi về, có nhận xét, thể hiện sự tín nhiệm rất cao. Những nội dung thỏa thuận để thống nhất cũng được phản ánh đầy đủ.
Ngay sau hội nghị này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có báo cáo chi tiết gửi các cơ quan có thẩm quyền để xem xét.
Đến nay, đa số các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu.
Như vậy, nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu (205 người) thì tổng số người được giới thiệu ứng cử là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử/1 đại biểu được bầu.
Về số lượng người tự ứng cử, tính đến ngày 17/3, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố. Như vậy, tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/1 đại biểu được bầu.
Tích cực chuẩn bị cho Hiệp thương lần thứ ba
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.
Theo ông Ngô Sách Thực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã yêu cầu Mặt trận các cấp lập kế hoạch với những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ứng cử về khu dân cư lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Việc tổ chức hội nghị sẽ bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, đúng quy định về bầu cử.
Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại Hội nghị hiệp thương lần ba.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trước 17 giờ ngày 19/4/2021 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương.
Với thành phần tham dự tương tự như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại Hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt sẽ được báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định.
Chậm nhất vào ngày 23/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức trong khoảng từ ngày 14-18/4.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh sẽ báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử.
Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội nghị thảo luận, lựa chọn, lập danh sách và thông qua biên bản, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Chậm nhất ngày 23/4, biên bản Hội nghị hiệp thương lần ba ở địa phương cùng danh sách này sẽ được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức trong khoảng từ ngày 14-18/4 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách và thông qua biên bản, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi tới cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng phân cấp.
Chú trọng chất lượng, tiêu chuẩn người ứng cử
Tại vòng hiệp thương lần hai, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được đặc biệt quan tâm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết các ứng cử viên được lựa chọn trên cơ sở tiêu chuẩn và quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội và trên cơ sở Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị liên quan đến công tác bầu cử.
Cụ thể, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của luật như trung thành với Tổ quốc, đất nước, Hiến pháp; các điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, khả năng, điều kiện hoạt động, giữ mối liên hệ với cử tri, tiêu chuẩn cũng nhấn mạnh việc các đại biểu phải có bản lĩnh, "dám nói." Những nội dung như người được giới thiệu ứng cử phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật cũng được đề cập.
"Trong danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu tài liệu, hồ sơ cũng thấy có một số nội dung cần phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt là những nội dung liên quan đến đại biểu chuyên trách," ông Ngô Sách Thực cho biết.
Ngay tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch đều bày tỏ sự đồng tình rất cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến cũng thống nhất rằng yêu cầu cao nhất đối với đại biểu chuyên trách là phải có đủ tâm, đủ tầm.
Đại biểu chuyên trách phải là những chuyên gia giỏi
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mục tiêu tăng số lượng đại biểu chuyên trách sẽ góp phần giúp Quốc hội thực sự là một cơ quan bao gồm những chuyên gia giỏi trên mọi lĩnh vực; đồng thời khẳng định đây cũng là ý nguyện chung của nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuy nhiên quan trọng nhất là tăng chất lượng của đại biểu Quốc hội.
"Nếu tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ được nâng cao. Tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là nòng cốt trong công việc này cùng với bộ, ban, ngành và những Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong các ủy ban của Quốc hội phải có những chuyên gia thật giỏi làm nòng cốt, chính những chuyên gia đó là những người chuyên trách, chuyên nghiệp về những lĩnh vực mà họ được đảm nhiệm," ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị hiệp thương lần 2 tại Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN) |
Sau hai vòng hiệp thương, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định mong muốn về việc nâng cao hơn nữa tính dân chủ trong phân bổ và lựa chọn con người, để "làm sao chọn được những người đúng tiêu chuẩn, có đức có tài, vì dân vì nước. Chúng ta nên rút kinh nghiệm những kỳ trước đây..., lựa chọn lại cho kỹ để loại được những người có động cơ không tốt; để toàn Đảng, toàn dân thống nhất ý chí, ý Đảng hợp lòng dân, loại được những phần tử cơ hội, những người không đủ tư cách ra khỏi Quốc hội, để Quốc hội xứng đáng là của dân, do dân và vì dân," ông Lù Văn Que bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm đề cao chất lượng khi lựa chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách, bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: "Kỳ này số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội tiếp tục được tăng lên. Nhưng trong số ứng cử để bầu vào chuyên trách không phải hoàn toàn là những người đã làm trong các cơ quan của Quốc hội hoặc đã làm đại biểu Quốc hội và tái cử... Đa số ý kiến của Đoàn Chủ tịch lưu ý là phải nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội nói chung, nhưng với đại biểu chuyên trách thì càng phải lựa chọn những người đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là điều rất quan trọng góp phần nâng chất lượng hoạt động của Quốc hội, đảm bảo sự tín nhiệm của nhân dân."
Nêu ý kiến của một thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim cũng cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đồng thời phải đi đôi với nâng cao chất lượng, bởi công tác giám sát ở Quốc hội từ những việc cụ thể như các phiên làm việc ở hội trường, tổ chức những đoàn giám sát chuyên đề, hay khi đại biểu thực hiện quyền giám sát ở cơ sở, địa phương đều đòi hỏi phải đủ năng lực mới có thể phát hiện và nêu ra những vấn đề, kiến nghị mới...
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là người có bề dày hoạt động thực tiễn, vì chính quá trình này cho người đại biểu có những kinh nghiệm để thấy được những vấn đề nào cần được phản ánh.
Tăng cường giám sát công tác bầu cử
Trên cơ sở những vấn đề mà Đoàn Chủ tịch đặt ra, sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chuyển những nội dung còn băn khoăn đến các cơ quan có thẩm quyền để được trả lời.
"Yêu cầu đặt ra là từ nay tới khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tất cả các vấn đề còn trăn trở đối với các ứng cử viên đều phải được làm rõ," ông Thực nhấn mạnh.
Từ nay đến khi hiệp thương lần thứ ba, thực hiện trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên kế hoạch chương trình giám sát đối với công tác bầu cử. Theo đó, đợt giám sát thứ nhất được triển khai từ ngày 15/3 đến 13/4. Trong đợt này, các đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử của các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử, những vi phạm về bầu cử (nếu có); đồng thời có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.
"Trong công tác giám sát, phải có sự giám sát của người dân cùng các kênh thông tin khác như truyền thông, báo chí để nếu có vấn đề gì người dân còn "băn khoăn" về người được giới thiệu ứng cử thì phải được làm rõ. Về phía Ủy ban bầu cử các cấp phải có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, trả lời những vấn đề mà cử tri và người dân nêu ra. Nếu đến mức có khiếu nại hoặc tố cáo sẽ giải quyết theo trình tự quy định của luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những người ứng cử," ông Ngô Sách Thực cho hay.