Khác với nhiều chốn danh lam thắng cảnh thường ghi dấu ấn trong tâm tưởng khách du lịch với mỗi mùa tiết nhất định trong năm, chùa Láng bên dòng sông Tô luôn hiển hiện giữa nhân gian với những vẻ đẹp thay đổi theo bốn mùa mưa nắng. Một vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, tráng lệ vừa tinh tế, uyển chuyển. Một vẻ đẹp vừa huyền bí thanh u, lại cũng rất mộc mạc, sáng láng.
Thời gian mở hội chùa Láng thường đúng kỳ thời tiết khô ráo đẹp trời, bà con làng Láng dù đi làm ăn đâu đâu cũng nô nức về dự hội. Bên cạnh việc tế lễ nghiêm trang, hội Láng còn có những trò vui dân gian đặc sắc như là chọi chim, đánh cờ bỏi, hát quan họ… Nhưng có lẽ sôi động và hấp dẫn nhất, vẫn chính là hội thổi cơm thi diễn ra vào chiều ngày vãn hội hay còn gọi là kết hội mùng 8 tháng Ba.
Thoạt đầu là cuộc thi của bốn người phụ nữ vốn là bốn chị em gái nhà họ Đỗ của làng Láng. Gia tộc họ Đỗ ở làng Láng có thuyền thống tham gia đông đảo vào các kỳ hội thổi cơm thi và hay có thành viên đoạt giải cao. Họ đều đã ở tuổi trung niên, dáng người mạnh khoẻ, nước da đỏ au. Họ mặc những chiếc áo màu sặc sỡ, thắt lưng xanh đỏ. Mỗi người đeo một chiếc đòn gánh tre nho nhỏ. Một đầu đòn buộc chiếc bếp kiềng kê chiếc niêu đồng nhỏ bên trong đổ chừng dăm lẻ gạo nước. Một đầu buộc vào dải thắt lưng để giữ thế cân bằng.
Sau đó, họ vừa châm lửa vào bếp, vừa gánh nồi chạy quanh sân, vừa đi vừa uốn éo múa hát rập rình, xoay đảo vòng quanh một cách khéo léo để vừa nấu chín cơm, vừa pha trò cho người xem trong tiếng trống thúc liên hồi kỳ trận. Khi củi lửa hầu tàn một đợt, họ liền rút tiếp củi cắp ở bên nách để tiếp vào bếp. Lúc cơm cạn, họ rút bớt củi để lửa lom dom đợi cơm chín tới rồi hạ gánh, trình ban giám khảo.
Mặc dù mệt nhọc tưởng như đến đứt hơi mà gương mặt những thí sinh vẫn sáng bừng rực rỡ.
Bà Đỗ Thị Chuông, người từng dự lễ hội thổi cơm thi làng Láng từ năm lên 7 tuổi, giờ đây dù đi đâu xa cũng vẫn nhớ về làng dự lễ và tham gia hội thổi cơm thi từ ngày mùng 6 đến ngày mồng 8 tháng Ba âm lịch hàng năm: Dăm năm làng mới vào hội chính. Vui lắm, chị em tôi kỳ nào cũng tham gia và quyết giành giải. Mấy kỳ liên tiếp rồi đấy.
Đợt thi thứ hai và thứ ba dành cho các nam nữ thanh niên trẻ của làng Láng. Trông những chàng trai cô gái khoẻ mạnh, tươi tắn rực rỡ trong những bộ trang phục lễ hội rực rỡ gồng gánh nồi cơm trên bếp lửa rừng rực cháy đỏ mới thấy cụôc sống thật đáng yêu bội phần.
Giải thưởng của hội thổi cơm thi làng Láng không hề cao, chỉ mang tính tượng trưng, song không vì vậy mà người đi thi và người đi xem mất đi sự hào hứng náo nức.
Cụ bà Nguyễn Thị Gái nhận xét rất tinh tế: Ban giám khảo ngoài chấm cơm bằng cách nếm thử bằng miệng còn phải bấm thử bằng tay mới định ra được nồi cơm vừa chín vừa dẻo vừa xuê. Riêng ý tôi thì nồi cơm nào mà lại có vầng cháy xem xém hanh vàng mới là thích nhất.
Trên những cánh đồng hành thơm Kẻ Láng dù không còn rộng lớn như xưa, những người dân làng Láng vẫn đang miệt mài cấy trồng khuya sớm. Không ai khác, chính họ đã đang và sẽ đóng góp nhiều nhất công sức và tiền bạc để tôn tạo, giữ gìn và bảo vệ những di tích quý giá nhất cũng như duy trì, phát huy những tập tục lễ hội cổ truyền của quê hương và cũng chính là của mảnh đất Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.