Người làng Đông Thái vốn từ làng Nội Rối, xã Bảo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam lên lập nghiệp. Họ xuôi sông Cầu về định cư ở xóm chợ Bến, làng Đông Xuyên (xã Đông Tiến) để dễ bề buôn bán và làm ăn sinh sống.
Dòng tự sự của tác giả Cao Văn Hà về làng Đông Thái hiện ra là một làng ngụ cư khởi đầu từ con số không, với hành trình khát vọng định cư, rồi đến lập làng, dần vươn lên khá giả, thịnh vượng. Suốt hơn hai trăm năm, mảnh đất và con người thẫm đẫm văn hoá của một làng nông thôn miền hạ lưu sông Cầu đã kịp hình thành bản sắc riêng của mình. Đó là những nét văn hoá của một làng nghề thủ công đan lát truyền thống gắn liền với giao thương và làm nông nghiệp, nổi lên tính cách can đảm, quảng giao, sành ăn, sành chơi của người đàn ông; sự chăm chỉ, đằm thắm, giỏi tề gia nội trợ của người phụ nữ. Và trên hết, đó là sự khéo ăn, khéo ở, năng động, tìm tòi và ý chí can trường của bao thế hệ người làng vươn lên với những ước mơ và khát vọng không ngừng nghỉ.
Tác giả dành nhiều trang viết với cảm hứng dâng trào để mô tả dòng sông quê hương cùng những kỷ niệm máu thịt của cả đời người bằng tấm lòng biết ơn thao thiết: “Sông với làng tôi như cặp đôi chẳng thể tách rời. Sông là lý do để làng dựng nghiệp, lập làng ở đó. Sông giúp con trai làng quanh năm sông nước, ngược xuôi, giúp con gái làng dẻo dai gánh gồng, đan lát... Sông luôn là tiếng gọi thiết tha để ai ai đi xa cũng mong mỏi tìm về” (Sông tắm).
“Chuyện làng tôi” phản ánh quá trình nghiên cứu đầy trách nhiệm của tác giả về tất cả các việc từ lịch sử, lệ làng đến lối làm, lối ăn, sinh hoạt văn hóa; đan xen vào đấy các mối quan hệ gia đình, họ mạc, làng xóm, bạn bè với những cảm xúc chân thành của người con quê hương. Nó có tác dụng truyền cảm hứng không chỉ cho người quê hương ông, mà còn đến người đọc nói chung đặc biệt là những người con xa quê.
Với tất cả tình cảm chân thành, tác giả tình nguyện là người viết sử làng bằng văn, ước mong được dân làng đón nhận cuốn sách như một tư liệu về làng, có thể lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau.
Cao Văn Hà, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, người sáng lập “Mô hình khuyến học mới” và là Chủ tịch danh dự Quỹ “Ước mơ lớn” xã Đông Tiến, huyện Yên Phong. Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh.
Là người gắn bó với hoạt động khuyến học xã Đông Tiến, ông Cao Văn Hà luôn khát vọng làm mọi việc để thực hiện triết lý “Học để thay đổi” và sự học trước hết là học ở sách. Ông đã cùng gia đình bà Đào Thị Khanh, vợ cố PGS.TS. Nguyễn Đức Lữ ở thôn Đông Xuyên, từ tủ sách gia đình xây dựng thành thư viện cộng đồng mang tên “Thư viện làng cò Đông Xuyên”. Thư viện phục vụ miễn phí người dân trong thôn, trong xã. Bằng nỗ lực của mình, ông Cao Văn Hà đã truyền cảm hứng đến những người làm khuyến học, khuyến đọc Đông Tiến, đến nhân dân Đông Tiến nói riêng và những người làm khuyến học trong huyện, trong tỉnh nói chung.