Chuyện về những gia đình 'cầu vồng' ở nước Mỹ

Chuyện về những gia đình 'cầu vồng' ở nước Mỹ

Trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tổng thống Thomas Jefferson từng khẳng định mỗi người khi sinh ra đều có những quyền lợi bình đẳng, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc.

___________________

Đối với những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính), việc mưu cầu hạnh phúc lại càng nhiều trắc trở hơn so với các cặp đôi thông thường. Họ vẫn phải đấu tranh cho những điều hiển nhiên được công nhận trước đó, từ kết hôn, cho tới có con và xây dựng tổ ấm hoàn chỉnh.

DI CHUYỂN GIỮA HAI ĐẦU ĐẤT NƯỚC ĐỂ NHẬN NUÔI CON

Cặp đôi Jennifer và Kandy Russell Digilio đã có chuyến hành trình gần 10.000 km giữa hai đầu nước Mỹ để thỏa mãn ước nguyện có một gia đình trọn vẹn và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của những người đồng tính.

Mọi chuyện bắt đầu khi Jennifer học đại học và đến một buổi hòa nhạc địa phương và gặp Kandy, kể từ đó hai người bắt đầu hẹn hò. Thời gian trôi qua, họ sớm nhận ra rằng họ có chung mục tiêu sống và ước mơ được kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, có một trở ngại pháp lý khiến họ không thể đạt được ước mơ của mình, bang Florida nơi họ sống không cho phép người đồng tính kết hôn và sinh con.

“Kandy có mối quan hệ trước khi gặp tôi và đã nhận con nuôi với người bạn đời trước đó, nhưng vì luật pháp ở Florida buộc họ phải nhận làm cha mẹ đơn thân nếu muốn có con nuôi, bạn của Kandy là người nhận trách nhiệm. Sau khi chia tay, người đó đưa theo đứa trẻ tới New York, điều này đã khiến Kandy bị tổn thương khi cô ấy không thể có quyền thăm con”, Jennifer chia sẻ.

Vì điều này, hai người khi đến với nhau đã thống nhất họ sẽ đều trở thành những người mẹ hợp pháp và có trách nhiệm. Do luật pháp ở Florida, họ đã đưa ra quyết định táo bạo đó là bán hết mọi tài sản ở quê nhà rồi chuyển đến sinh sống tại California.

“Kế hoạch ban đầu là để chúng tôi kết hôn và giúp Jennifer có thai. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo dự định”, Kandy nói. Sau nhiều tháng cố gắng, Jennifer đã không thể mang thai và hai người phải cân nhắc các lựa chọn khác, cặp đôi này đi đến quyết định tìm hiểu hệ thống nhận nuôi trẻ mồ côi.

Chuyện về những gia đình 'cầu vồng' ở nước Mỹ ảnh 1

Không biết chính xác bắt đầu từ đâu, họ đã liên lạc với các cơ quan bảo trợ xã hội tại thành phố Fresno và tham gia các lớp học kỹ năng. “Họ nghĩ chúng tôi thật điên rồ khi chuyển tới bờ bên kia của đất nước chỉ để nhận nuôi trẻ con. May mắn thay, các nhân viên bảo trợ xã hội đã thấu hiểu hoàn cảnh của chúng tôi. Sau khi mọi giấy tờ và thủ tục được hoàn tất, chúng tôi được phép tham dự một sự kiện tiếp xúc những đứa trẻ, Kandy thì tỏ ra thích thú khi tiếp xúc với chúng, còn tôi thì hơi choáng ngợp”, Jennifer nhớ lại. Khi đang xếp hàng để ăn trưa, một chiếc xe đẩy đã va phải Jennifer khiến cô mất thăng bằng. Ngay sau khi quay lại nhìn và thấy bé trai sơ sinh Anthony trong nôi, cô biết đây chính là con trai mình.

Có một số vấn đề xảy ra khi cặp đôi này muốn nhận nuôi Anthony, đó là bởi những hai người đang sống trong một thị trấn nhỏ thiếu sự đa dạng sắc tộc, và Anthony là người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên các nhân viên bảo trợ đã bảo lãnh cho hai người và cậu bé được đón về 2 tuần sau đó. Mặc dù có những lo ngại rằng cậu bé có thể phát triển không được toàn diện, Jennifer và Kandy biết rằng đây là con của họ và việc nắm bắt cơ hội dựa trên tình yêu luôn là điều xứng đáng. Không lâu sau đó, cặp đôi này nhận được một cuộc điện thoại lúc 2 giờ sáng, đầu dây bên kia khẩn thiết nhờ họ nhận giám hộ một bé gái gốc Phi khác. Jennifer giải thích họ đang tìm cách nhận nuôi thêm một đứa trẻ nữa, phía trung tâm bảo trợ cho biết nếu có thể đến đón cô bé ngay lập tức, họ có thể nhận nuôi.

Jennifer sau đó chạy nước rút, và nhảy lên xe lúc 3 giờ sáng để đi đón bé gái Ashleigh. Hiện Anthony đang tham gia khóa học trường thiếu sinh quân, cậu có sở thích chơi bóng đá và bóng chuyền. Bé gái Ashleigh thì có tình yêu với khoa học và quyết tâm đỗ đại học Stanford để học ngành y.

Trước khi hai đứa trẻ bắt đầu đi học, Jennifer và Kandy quyết định chuyển về Florida, nơi họ được gia đình và bạn bè ủng hộ. Họ trở thành những người đi đầu trong công cuộc đấu tranh cho quyền xây dựng gia đình và nhận nuôi con của những người trong cộng đồng LGBT.

“Chúng tôi rất gắn kết trong cộng đồng của mình. Chúng tôi chỉ sống cuộc sống và nuôi dạy con cái của mình, và tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để có được sự tôn trọng và chấp nhận của những người xung quanh chúng tôi”, Jennifer cho biết.

THẤU HIỂU Ý NGHĨA THỰC SỰ CỦA GIA ĐÌNH

Ngay sau khi Michael và John Phaneuf kết hôn, họ bắt đầu hành trình xây dựng tổ ấm và chia sẻ mong muốn có con cũng như nuôi dạy chúng trong tình yêu và sự hỗ trợ của gia đình ở Boston.

“Trong một khoảng thời gian, chúng tôi cảm thấy như các chuyên gia về việc có con ở bang Massachusetts”, Michael nói. “Chúng tôi đã xem xét tất cả mọi thứ từ việc mang thai hộ, nhận con nuôi và giám hộ trẻ tị nạn. Điều duy nhất chúng tôi biết chắc chắn là chúng tôi muốn tìm ra con đường tốt nhất cho mình và cho con cái của chúng tôi”.

“Ban đầu chúng tôi chỉ muốn nhận nuôi những đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ từ 1-2 tuổi, nhưng rồi số phận sắp đặt cho chúng tôi một kế hoạch khác”, John chia sẻ. Đơn đăng ký của cặp đôi sau đó đã được các nhà chức trách liên bang thu nhận, họ được tạo điều kiện tới bang Iwoa để gặp mặt cậu con trai tương lai Jessie. “Ngay khi gặp mặt chúng tôi đều muốn nhận nuôi đứa bé, khó có thể lý giải điều này nhưng nó xuất phát từ động cơ tốt đẹp”. Cặp đôi sau đó tiếp tục được cho phép nhận nuôi một bé trai khác tên Anthony, cả hai đưa con tới sinh sống tại quê nhà Boston. Hai đứa trẻ đã có thể tận hưởng gia đình mới của mình, dành thời gian cho bên ông bà và nhiều anh em họ, đây chính là viễn cảnh về một gia đình mà John và Michael mong cầu.

“Việc nhận nuôi con đã thực sự mang gia đình của chúng tôi lại gần nhau hơn”, Michael nói. “Cả bố mẹ của tôi và John đều rất yêu thương bọn trẻ và tự hào về chúng. Điều này cũng đã thay đổi cách cha mẹ nhìn nhận chúng tôi. Bây giờ, họ đều nhận ra chúng tôi đã trưởng thành. Không hề dễ dàng để gia đình chúng tôi hiểu được vấn đề, nhưng hiện tại chúng tôi đã thành công, đây là một trải nghiệm tuyệt vời”.

“Điều quan trọng nhất cần nhớ là cho dù bạn hình dung mọi thứ diễn ra như thế nào, số phận sẽ đem tới điều bất ngờ. Bạn có thể than vãn, hoặc bạn có thể làm tốt nhất những gì mình đã được trao. Chúng tôi sẵn sàng vượt qua bất cứ chuyện gì vì các con và quyết tâm dành cho chúng tất cả tình yêu mà chúng tôi có”, John nói thêm.

Chuyện về những gia đình 'cầu vồng' ở nước Mỹ ảnh 2

Cả Michael và John đều không hài lòng khi nhiều người lạ dành lời ngợi khen hành động nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi của họ.

“Chúng tôi không phải là một tổ chức phi lợi nhuận! Chúng tôi muốn có một gia đình chứ không phải một tổ chức từ thiện. Chúng tôi biết rằng họ không có ác ý gì, và sau khi nói chuyện với họ, nhiều người đã rơi nước mắt khi thừa nhận rằng chúng tôi đã thay đổi quan điểm của họ về một gia đình thực thụ”, John giải thích.

“Điều bất ngờ nhất đó là chúng tôi đã không phải tìm kiếm các cặp đồng tính nam nhận nuôi con khác để nhận được sự sẻ chia và đồng cảm. Chúng tôi sống trong một khu dân cư với đầy đủ kiểu gia đình: Những người mẹ đơn thân hoặc người cha đơn thân có con, các cặp vợ chồng có con, ông bà nuôi cháu. Tất cả chúng tôi đều chia sẻ một mục tiêu đó là dành những gì tốt nhất cho gia đình mình.

Hy vọng của chúng tôi là bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và cuộc sống của mình với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng LGBT, chúng tôi có thể thay đổi cách họ nhìn nhận về gia đình với hai ông bố hay hai bà mẹ. Sau tất cả, ai cũng muốn tạo ra một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn cho con cái mình”.

TỪ BỎ CUỘC SỐNG PHỒN HOA ĐỂ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

Brian Blythe, 45 tuổi, và John Kristiansen, 47 tuổi, rời bỏ thành phố New York để trở thành những ông bố ở vùng ngoại ô West Orange, New Jersey. Kể từ năm 2004, cặp đôi này đã tham gia các khóa học làm cha mẹ, họ hoàn thành các bài kiểm tra, có cho mình một căn nhà và chứng chỉ nhận nuôi vào năm 2011.

Theo Brian, mọi chuyện xảy ra vào năm 2011, khi cả hai nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp nhờ nhận nuôi một đứa trẻ 2 tuổi. Đứa trẻ ở với họ 11 ngày và đây là trải nghiệm quý giá để cặp đôi này đi đến kết luận nghiêm túc về tương lai. “Chúng tôi quyết định việc làm cha mẹ hoàn toàn không dành cho mình. Chúng tôi quyết định bán nhà và trở về New York và ngừng nhận nuôi trẻ nhỏ cơ nhỡ”, cặp đôi chia sẻ. Tuy nhiên một nhân viên dịch vụ xã hội đã tìm đến John và Brian để nhờ trợ giúp trường hợp của một bé gái sống trong nhà chung và mắc chứng chậm phát triển.

“Chúng tôi đều cảm nhận được khoảng khắc khi con bé bò vào lòng tôi, một cảm giác ấm áp và dễ chịu” John nói.

Kể từ đó, cặp đôi này quyết định sắp xếp lại công việc và dần nhận nuôi hai bé gái và giám hộ một bé sơ sinh khác trong thời gian chờ một gia đình nhận nuôi chính thức.Brian chia sẻ khi các gia đình LGBT có ý định nhận nuôi trẻ nhỏ, họ nên chuẩn bị tâm lý sẽ bị soi mói, đặc biệt nếu họ muốn xây dựng một gia đình thực sự và nhận thức được rằng họ đại diện cho cộng đồng LGBT và tất cả những người dám đứng lên và đấu tranh cho quyền lợi của họ làm cha mẹ.

Chuyện về những gia đình 'cầu vồng' ở nước Mỹ ảnh 3

“Bất cứ khi nào chúng ta ra ngoài, chúng ta đều gây chú ý, thường là các ánh mắt dò xét hoặc những tiếng cười. Chúng tôi liên tục nhận được ý kiến và nhiều câu hỏi từ những người lạ, cả tích cực và tiêu cực.

Chúng tôi được hỏi: ‘Ai làm tóc cho hai cô bé?’ Dĩ nhiên là chúng tôi, những ông bố có thể tìm hiểu mọi thứ qua sách vở hoặc Youtube”, Brian nói.

Trong tất cả các câu chuyện về gia đình nhỏ của mình, Brian cho biết, kỷ niệm anh nhớ nhất đó là vào 3 năm trước, khi cặp đôi cùng các con đi qua cổng an ninh tại sân bay California.

“Vào thời điểm đó, chúng tôi có một đứa trẻ 3 tháng tuổi, một đứa 6 tháng và một đứa 3 tuổi. Một nhân viên an ninh bước tới và nói:  ‘Những gì các bạn đang làm là một điều tuyệt vời’. Lúc đó chúng tôi hết sức bừa bộn khi mỗi người địu một cô bé, trên tay là tã, chai sữa,…và cố gắng bắt kịp hàng người đang xếp hàng, tuy nhiên chúng tôi cảm thấy tuyệt vời như lời của nhân viên an ninh.

Đó là cảnh dở khóc dở cười và việc được người khác ghi nhận những điều mình đang làm khiến mình cảm thấy tự hào. Chúng tôi hy vọng, khi nhiều gia đình LGBT được tạo ra, tất cả chúng ta sẽ đối xử bình đẳng như những gia đình khác”, Brian chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.