Sau khi cô dâu tên Surabhi gục ngã giữa buổi hôn lễ, một bác sĩ đã tới khám nghiệm và tuyên bố cô đã qua đời. Nhưng thay vì kết thúc buổi lễ, cả hai gia đình quyết định để chú rể Manoj Kumar cưới Nisha - em gái của Surabhi.
“Chúng tôi không biết phải làm gì trong tình huống này. Cả hai gia đình đã ngồi lại với nhau và có người gợi ý rằng Nisha nên kết hôn với chú rể", anh trai của cô dâu xấu số Surabhi nói. "Mọi người thảo luận và nhanh chóng đưa ra quyết định".
Thi thể của Surabhi được đưa vào một căn phòng trong khi hôn lễ của Kumar với Nisha được tổ chức.
Ông Ajab Singh, chú của Surabhi cho biết đây là "thời điểm khó khăn" bởi hai bên gia đình chưa bao giờ trải qua những cảm xúc lẫn lộn như vậy.
Vụ việc tưởng như chỉ có trong phim này đã gây xôn xao trên mạng xã hội Ấn Độ. Một số người chỉ trích chú rể Kumar không đủ kiên nhẫn để đợi qua tang lễ của cô dâu quá cố. Trong khi số khác cho rằng nhà trai tham lam khi không muốn mất đi của hồi môn từ nhà gái.
Các chuyên gia xã hội học nói rằng vụ việc phản ánh bản chất xã hội gia trưởng và bất bình đẳng giới của Ấn Độ.
“Hầu hết các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ được sắp đặt giữa các gia đình, không phải xuất phát từ tình cảm đôi lứa", giáo sư Kamei Aphun tại Đại học Delhi, cho biết. "Trong trường hợp này, gia đình nhà gái chỉ nghĩ tốt nhất là gả một cô dâu khác cho nhà trai, họ không nghĩ tới việc người em gái sẽ phải sống trong mặc cảm suốt đời".
Tiến sĩ Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Delhi, cho biết các nghiên cứu do tổ chức của bà thực hiện ở các bang như Uttar Pradesh, Bihar và Rajasthan đã phát hiện một số trường hợp đàn ông kết hôn với chị/em gái của vợ sau cái chết của bạn đời.
“Những trường hợp như vậy xảy ra không chỉ ở các tầng lớp thấp của xã hội mà còn xảy ra ở các tầng lớp trên, không ít người là chính trị gia cấp cao và nhà ngoại giao", bà Kumari chỉ ra. "Điều gây sốc hơn nữa là đó là những người em gái không được phép có con riêng vì phải tập trung chăm sóc con cái của chị mình".
Nói cách khác, những người em vợ này đã trở thành một bảo mẫu không được trả lương, phải hy sinh quyền làm mẹ của chính mình.
Giáo sư xã hội học Janaki Abraham cho biết nhiều gia đình nghèo ở Ấn Độ đã phải chọn cách này vì lý do kinh tế, bởi nhiều nhà phải vay một khoản tiền lớn để làm hôn lễ, do đó việc tổ chức nhiều hôn lễ sẽ khiến họ phá sản.
“Các cuộc hôn nhân của người Ấn Độ, ngay cả trong những tầng lớp thấp, cũng hết sức tốn kém, những người nghèo nhất trong số những người nghèo nhất cũng phải tổ chức lễ cưới xa hoa nhân danh danh dự gia đình”, bà Abraham nói.
Vì hầu hết gánh nặng chi phí đám cưới thuộc về gia đình cô dâu - đây có lẽ cũng là điều đã xảy ra trong trường hợp của Surabhi - nên chú rể đã được phép lấy người em gái để tiết kiệm chi phí tổ chức đám cưới.
Tiến sĩ Abraham cho biết yếu tố đẳng cấp cũng đóng một vai trò trong quyết định của gia đình Surabhi.
“Gia đình nhà gái lo sợ người em gái có thể bỏ trốn và tìm một chàng trai mình yêu nhưng không phù hợp với đẳng của gia đình mình”, bà Abraham chỉ ra. “Các quy tắc đẳng cấp rất cứng nhắc: trai và gái không được kết hôn với người thấp kém hơn".